(HNM) - Từ ngày 27-6 đến 4-7, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội triển lãm đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại TP Hồ Chí Minh để người dân TP đóng góp ý kiến. Đa phần ý kiến cho rằng đồ án khá toàn diện, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những suy nghĩ băn khoăn…
Người dân TP Hồ Chí Minh xem đồ án Quy hoạch Hà Nội. |
Cần bao nhiêu đô thị vệ tinh?
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, phát triển Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn là hợp lý. Mô hình này có ưu điểm kết hợp được 2 lối sống đô thị - nông thôn và hình thành một đô thị sinh thái. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy xây dựng khu đô thị vệ tinh là cực kỳ tốn kém. Vì vậy, giai đoạn tới, năm 2030 chỉ nên xây dựng 2 - 3 đô thị vệ tinh đã có cơ sở trước đây như Sơn Tây, Hòa Lạc, còn các khu đô thị khác nên đưa vào đất dự trữ cho các giai đoạn tiếp sau. KTS Nguyễn Hữu Nghĩa (Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam) chỉ ra cái hay của đồ án là phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ lại được nét truyền thống của Hà Nội với phố cổ là lõi trung tâm lịch sử. Cách tổ chức 5 đô thị vệ tinh là hoàn toàn hợp lý, bởi những đô thị này đã hình thành từ trước, quy hoạch chỉ dựa trên những cái nền đã có sẵn và "khoanh vùng" thế mạnh chức năng của từng đô thị để phát triển.
Với trục Thăng Long nối từ Ba Vì tới Ba Đình, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quốc tế về quy hoạch kiến trúc) cho là không cần thiết bởi trục này song song với đường Láng - Hòa Lạc. Ông Nguyễn Đăng Sơn cũng phân tích sự bất hợp lý của trục Thăng Long khi chỉ cách đường Láng - Hòa Lạc đang xây dựng khoảng 3km. Còn với góc nhìn của KTS Nguyễn Hữu Nghĩa, việc xây dựng một trục thẳng 50km từ Đông sang Tây là một hướng không tốt, bởi sẽ bị ánh nắng mặt trời chiếu vào khi lưu thông, điều này là "tối kỵ" với đường cao tốc. Chưa kể, khi trung tâm hành chính không đặt ở Ba Vì thì trục Thăng Long không còn nhiều ý nghĩa nữa!
Việc quy hoạch các hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ chiếm tới 68% diện tích tự nhiên được các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Sơn cho rằng diện tích nêu trên không thể tính cho khu vực trung tâm Hà Nội. Vì vậy, cần bổ sung mảng xanh hai bên bờ sông Hồng vì đây là mảng xanh nhiệt đới ở ngay "xương sống" của Thủ đô.
Tập trung vào chính sách phát triển đô thị
Nhiều chuyên gia cũng nhận xét bản quy hoạch nghiêng nhiều về phát triển mở rộng; còn lộ trình, cách thức tổ chức, quản lý về mặt quy hoạch thì chưa thể hiện rõ. TS Trịnh Hoàng Ngạn, Phó đoàn tư vấn của Dịch vụ tư vấn trung tâm hỗ trợ vùng cho rằng quy hoạch đề cập rất ít về hạ tầng tiêu thoát nước và trường học. Quy hoạch cũng chưa tính toán kỹ phương án trị thủy sông Hồng để bảo đảm an toàn cho Thủ đô, hạ tầng giao thông chỉ chú ý đến đường bộ chứ chưa chú ý nhiều đến giao thông thủy-một "đặc sản" của Hà Nội…
Nguồn kinh phí quá lớn của đồ án cũng nhận nhiều ý kiến băn khoăn. Theo tính toán của ông Nguyễn Đăng Sơn, nếu chưa (hoặc chưa) xây dựng đường vành đai số 4 và 5, cùng 2 đến 3 đô thị vệ tinh (đến năm 2030); trục Thăng Long và Trung tâm Hành chính quốc gia Ba Vì, TP sông Hồng (đến năm 2050) thì kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 45 tỷ USD thay vì 60 tỷ USD như đồ án. Với kinh phí đã giảm xuống còn 45 tỷ USD, có thể huy động được từ các nguồn "truyền thống" như vốn ngân sách nhà nước, đầu tư nước ngoài, vốn ODA. Bên cạnh đó, cần tăng cường hình thức xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng. Đây là một hình thức hợp tác mới và đã được thực hiện thành công ở TP Hồ Chí Minh. Vấn đề là Nhà nước cần sớm ban hành quy định về đầu tư hợp tác công - tư để làm động lực triển khai thực hiện quy hoạch Hà Nội, vốn cần nguồn vốn rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.