Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cả tiền và cơ chế

Văn Định| 18/06/2011 08:10

(HNM) - Mặc dù theo quyết định phê duyệt chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2006-2010 của chính quyền TP Hồ Chí Minh, đến năm 2010 thành phố phải hình thành được vùng an toàn dịch bệnh, một số vùng sạch bệnh không sử dụng vacine, nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện được.


Chưa có sự phối hợp tốt giữa các địa phương

Giải thích về điều này ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP cho rằng, là do dịch bệnh từ các tỉnh, thành trong cả nước và khu vực đã tạo một áp lực dịch tễ lớn cho đàn gia súc của TP Hồ Chí Minh. "Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trong nước luôn phát sinh và diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống dịch; công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật của các tỉnh chưa đồng bộ, nếu không sử dụng biện pháp phòng bệnh bằng vacine thì áp lực xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố là rất cao", ông Thảo nói.


Thịt lợn bày bán tràn lan tại các chợ.

Theo Chi cục Thú y, bình quân mỗi năm TP Hồ Chí Minh tiêu thụ trên 3 triệu con heo; 230.000 con trâu, bò; hơn 25 triệu con gia cầm; 30.000 tấn thịt gia cầm; gần 11.000 tấn thịt trâu, bò. Nhưng khả năng tự cung cấp chỉ mới đáp ứng được từ 18 đến 20%, hơn 80% còn lại phải tiếp nhận từ 40 tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, việc phối hợp hoạt động giữa ngành thú y TP với ngành thú y các tỉnh, thành còn quá nhiều bất cập. Trong đó, hạn chế lớn nhất, chính là thông tin dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật và liên kết xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Qua tìm hiểu, hiện nay TP Hồ Chí Minh cũng chỉ mới ký biên bản thỏa thuận phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật với 6 địa phương (Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai); nhưng trong các biên bản thỏa thuận không hề đề cập đến việc liên kết xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, vấn đề cung cấp thông tin về dịch bệnh cũng chỉ nói chung chung, đại khái là: hai chi cục thú y có trách nhiệm thông báo cụ thể mỗi ngày về tình hình dịch bệnh tại địa phương, cập nhật kịp thời danh sách các xã, phường đang có dịch; đồng thời địa phương thông báo danh sách các cơ sở chăn nuôi đăng ký số gia súc giết mổ, quy mô đàn, kế hoạch xuất và cơ sở giết mổ tiếp nhận cho chi cục thú y TP. Đặc biệt không thấy một điều khoản chế tài cụ thể nào quy định, xử lý các địa phương không thực hiện đúng những cam kết trên. Vì vậy, không ít lần phát hiện hàng loạt lô hàng gia súc nhiễm bệnh từ các địa phương trên xuất hiện trong các lò mổ ở thành phố. Lúc này biện pháp duy nhất chỉ là tiêu hủy, còn những trường hợp không phát hiện được thì đành bó tay, chẳng ai chịu trách nhiệm !?

Cần khoảng 43 tỷ đồng

Rút kinh nghiệm về sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các địa phương trong việc thông tin tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang kiến nghị Bộ tổ chức giao ban định kỳ, đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan như: công an, quản lý thị trường, thú y, nhất là chính quyền địa phương để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhằm tránh heo bệnh từ các địa phương khác tuồn vào. Đồng thời, từ nay đến năm 2015, TP sẽ tập trung xây dựng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn tại hai xã: Phú Mỹ Hưng và An Phú (huyện Củ Chi) để đến năm 2020 cả hai địa phương trên được công nhận là xã an toàn dịch bệnh; 100% cơ sở chăn nuôi lợn tập trung với quy mô từ 500 con trở lên phải áp dụng thực hành chăn nuôi tốt (Viet GAHP)… Ước tính kinh phí đầu tư xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật từ nay đến năm 2015 là gần 43 tỷ đồng. Trước mắt TP sẽ xây dựng 100% cơ sở chăn nuôi lợn giống không có dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo… Tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về Viet GAHP, phòng, chống dịch và xây dựng an toàn dịch bệnh. Các cơ sở chăn nuôi tập trung phải bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi, gắn việc xây dựng và công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn với việc thực hành chăn nuôi tốt. Kết hợp với chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng chăn nuôi tự phát, không bảo đảm vệ sinh, không chấp hành khai báo kiểm dịch khi nhập, xuất gia súc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cả tiền và cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.