(HNM) - Giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của công dân là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan dân cử.
Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND các cấp TP Hà Nội đã chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ này, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tăng số lượng giám sát chuyên đề
Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Ban Pháp chế HĐND các cấp TP Hà Nội về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã giải quyết xong 168/176 vụ tồn đọng, đạt tỷ lệ 95%, trong đó giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND thành phố được đánh giá là hình thức giám sát có hiệu quả cao, góp phần tháo gỡ, giải quyết nhanh các vụ tồn đọng kéo dài.
Để có kết quả trên, Ban Pháp chế HĐND thành phố, đã tham mưu cho Thường trực HĐND thành lập 3 đoàn giám sát chuyên đề về giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết KNTC của công dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 cuộc giám sát chuyên đề của ban về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đối với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Qua giám sát đã làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, kiến nghị cơ quan chức năng các giải pháp để tháo gỡ, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, vướng mắc; đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC. Các kết luận, kiến nghị sau giám sát đã được các cá nhân có thẩm quyền, các cơ quan tổ chức có liên quan và các công dân KNTC tiếp thu, chấp hành nghiêm túc góp phần quan trọng trong công tác giải quyết đúng, dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, không phát sinh điểm nóng, xung đột, KNTC đông người, phức tạp. Đối với những vụ việc mà các cấp chính quyền đã giải quyết đúng trách nhiệm, đúng pháp luật thì giải thích cho công dân rõ và đề nghị công dân chấp hành nghiêm túc.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hoạt động giám sát giải quyết KNTC của Ban Pháp chế HĐND từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đó là các vụ việc KNTC phát sinh ở nhiều lĩnh vực, trong khi nhân lực của Ban Pháp chế còn mỏng, thành viên ban hoạt động chủ yếu kiêm nhiệm, thời gian dành tham gia các hoạt động giám sát có phần hạn chế, nên chưa đáp ứng được hết các yêu cầu và mong mỏi của cử tri và nhân dân. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu thông tin về tình hình giải quyết KNTC thiếu và chưa được cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu không đầy đủ, kịp thời cho cơ quan giám sát. Sau giám sát, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật nghiêm túc chấp hành, thực hiện kịp thời các nội dung kết luận, kiến nghị giám sát của Ban Pháp chế…
Cần có chuyên môn sâu
Để nâng cao chất lượng giám sát về KNTC, mới đây Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị chuyên đề "Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát giải quyết KNTC", thu hút nhiều ý kiến của đại diện Ban Pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã. Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND quận Ba Đình, Phạm Thạch Bích đề xuất, để làm tốt công tác giám sát về KNTC, các cấp ủy đảng cần đánh giá đúng vai trò, vị trí của HĐND; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Tiếp đó, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư KNTC của công dân cần bảo đảm quy trình, kịp thời, đúng luật định, xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết, tham mưu giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Đối với các vụ việc phức tạp, khiếu nại kéo dài, các cơ quan đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn không đồng ý thì nghiên cứu tổ chức đoàn giám sát xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền...
Qua theo dõi thực tế, để giám sát chất lượng, đúng trọng tâm, ngay từ cuối năm trước, Ban Pháp chế cần có kế hoạch giám sát chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp của các thành viên, tránh trùng lặp với kế hoạch giám sát của thường trực. Nội dung giám sát tập trung vào các vụ việc tồn đọng nổi cộm, dân sinh bức xúc, quan tâm đến cả việc tái giám sát. Đối với giám sát có phạm vi rộng, thì Ban Pháp chế cần xây dựng đề cương báo cáo gửi cho các tổ chức, đơn vị để làm căn cứ xây dựng báo cáo, tránh việc báo cáo không đúng trọng tâm, mục đích, yêu cầu. Bên cạnh đó, phải có thành viên am hiểu về lĩnh vực giám sát, có như vậy thì các buổi làm việc với các đơn vị chịu sự giám sát mới đạt hiệu quả. Đối với giám sát các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài cần tổ chức làm việc trực tiếp với các bên liên quan kết hợp với khảo sát thực tế. Đối với những nội dung phức tạp vượt quá khả năng của đoàn giám sát thì phải mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia có trình độ chuyên môn và am hiểu sâu về lĩnh vực tham gia giám sát. Một yếu tố khác cần quan tâm đó là kết luận, kiến nghị giám sát cần được thể hiện bằng văn bản, thông báo nội dung đến các tổ chức, đơn vị được giám sát, các cơ quan liên quan để thực hiện và các cơ quan cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, đôn đốc, đồng thời công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.