(HNM) - Sau 25 năm mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.
Lắp ráp máy in tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nước ta có hơn 13.500 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 200 tỷ USD. Trong quý I-2012, khối DN FDI giải ngân được số vốn đã đăng ký là 2,52 tỷ USD (bằng hơn 99% so với cùng kỳ năm trước). Đây là kết quả đáng mừng, bởi hiện nay phần lớn nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đều đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự eo hẹp về nguồn vốn của các DN nói chung và DN FDI nói riêng. Tuy nhiên, trong cái khó đã "ló" cái khôn, một số nhà đầu tư của Nhật Bản đang đẩy mạnh việc di dời địa bàn sản xuất ra nước ngoài, di chuyển địa bàn sản xuất từ nước này sang nước kia để giảm tối đa chi phí trong sản xuất, tìm lợi nhuận cao và lâu dài, trong đó có Việt Nam, nhờ thế đã góp phần không nhỏ vào kết quả giải ngân này. Với tiến độ giải ngân, cũng như số kinh phí đã giải ngân được kể trên, hy vọng năm nay tổng mức vốn FDI vẫn sẽ đạt trên dưới 12 tỷ USD. Song, không ít nhà quản lý và hoạch định chính sách lại cảnh báo, trong thời gian qua việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn FDI đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó có việc phần lớn thiết bị mà các DN FDI đưa vào nước ta rất lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng chuyển giá khi nhập nguyên, vật liệu, hay xuất khẩu sản phẩm qua công ty mẹ ở nước ngoài đã làm thất thu nguồn lợi đáng kể cho ngân sách nhà nước. Hơn thế, do phân cấp, phân quyền, một số tỉnh, thành phố đã thành lập nhiều khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), không những gây lãng phí diện tích đất, mà còn khó khăn trong việc quản lý. Để thu hút nguồn vốn FDI, cấp có thẩm quyền cũng có những chính sách đặc biệt, trong đó có ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN... và áp dụng như nhau với các nhà đầu tư là chưa phù hợp. Không ít địa phương còn tồn tại tình trạng lạm dụng ưu đãi để "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư bằng mọi giá, gây ra những hệ lụy khôn lường...
Từ thực tế trên, bên cạnh việc định hướng lại mục tiêu thu hút đầu tư nguồn vốn FDI theo hướng chất lượng hiệu quả, cần phải đổi mới chính sách, "cốt lõi" là phải nâng cao chất lượng nguồn vốn này, làm sao để dòng vốn "chảy" vào đúng "địa chỉ". Muốn thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cấp có thẩm quyền cần định hướng cho các DN FDI hướng vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao mà ta có lợi thế và đầu tư đổi mới công nghệ. Đặc biệt, cần có chính sách liên kết giữa DN FDI với DN nội địa để tạo ra những lợi thế cho cả hai bên. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, thiếu công nhân tay nghề cao là nguyên nhân chính khiến các DN FDI chưa sử dụng hết công suất máy móc, nhà xưởng, vì thế cần đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản... Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tạm dừng phát triển các KCN, KKT... trên cơ sở rà soát, xử lý những KCN, KKT hoạt động kém hiệu quả... nhằm chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu này trên địa bàn cả nước. Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp với các ngành liên quan xử lý triệt để các dự án hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí thu hồi giấy phép kể cả các DN FDI có quy mô lớn không tuân thủ đúng quy định trong các KCN, KKT, KCX...
Như vậy, sau 25 năm, việc thu hút nguồn vốn FDI ở nước ta đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, có không ít dự án vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra và còn nhiều vướng mắc cho cả cấp có thẩm quyền và DN FDI, vì thế phải quan tâm tháo gỡ vướng mắc cả hai phía. Sớm quan tâm, tháo gỡ đồng bộ sẽ vừa thu hút đầu tư, vừa nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.