(HNM) - Một trong những thành tích nổi bật của ngành y tế được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá cao là công tác y tế dự phòng (YTDP). Đội ngũ cán bộ y tế toàn thành phố đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm và sốt xuất huyết.
Để có được thành tích đáng kể này, những cán bộ YTDP đã phải gồng mình ở mọi địa bàn. Họ là những chiến sĩ trong trận chiến không tiếng súng nhưng không ít hiểm nguy.
Gắn với cộng đồng nhưng ít được biết đến
Một lãnh đạo của Bộ Y tế đã nhận định "trên trận chiến phòng và dập các loại dịch bệnh, cán bộ làm công tác YTDP là những "chiến binh" quả cảm, nhiệt huyết vì sức khỏe của cộng đồng".
Cán bộ y tế dự phòng phun thuốc khử trùng, bảo đảm vệ sinh sau trận lụt lịch sử tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Đống Đa). |
Mấy dòng định nghĩa "Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố, quận, huyện là loại hình cơ quan sự nghiệp, chuyên nghiệp đặc biệt, có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện, chuyển tải, đem lại những lợi ích thiết thực từ hoạt động YTDP đến cộng đồng, đến mọi nhà, cho mọi người" không thể nói hết công việc thực tế hằng ngày của đội ngũ y, bác sỹ làm công tác dự phòng. Chỉ có cùng các anh, chị lao vào các ổ dịch bệnh không kể đêm ngày và sự nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân và gia đình trong những ngày diễn ra dịch cúm năm qua hay những dịch bệnh nguy hiểm khác trong năm trước mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Những năm qua, hệ thống trung tâm YTDP đã phối hợp khá hiệu quả với các cơ quan trong ngành y tế tạo ra nhiều thành tựu nổi bật, góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Điển hình nhất là dập được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả, dịch sốt xuất huyết, ngăn chặn sự lây lan dịch cúm A/H1N1 ra cộng đồng với tỷ lệ tử vong thấp (5/1.700 người), không để xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn, ngộ độc hàng loạt...
Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động của các trung tâm YTDP là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Nghĩa là khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, dù ở bất cứ đâu, họ cũng lập tức phải lao đến để tìm rõ căn nguyên. Từ đó, họ tham mưu cho các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. Qua số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, ngày công đi chống dịch của cán bộ YTDP chiếm từ 40% đến 70% tổng số nhân lực của cơ quan, còn số người đi công tác lưu động chiếm từ 60% đến 85%, tương đương 24 ngày trong một tháng họ phải xuống địa bàn. Không chỉ cống hiến nhiều về thời gian, họ còn phải thực hiện một khối lượng lớn công việc nặng nhọc, gian khổ và khá nguy hiểm bởi không ai khác ngoài cán bộ YTDP là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát dịch. Đến tận ổ dịch để vừa điều tra dịch tễ học, vừa xét nghiệm các loại mẫu có liên quan đến bệnh dịch như đất, không khí, nước, thực phẩm... Nếu không có sự tận tụy thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ ấy. Mà hầu như họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2009, các cán bộ YTDP của Hà Nội đã giám sát hơn 700.000 lượt hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, phát hiện hàng trăm hành khách bị sốt nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 và tiến hành cách ly, chuyển họ tới các bệnh viện để theo dõi và điều trị; 100% số vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm đều được điều tra, xử lý kịp thời; triển khai 63 chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất, bao vây, khoanh vùng, xử lý triệt để đối với hơn 5.000 ổ dịch sốt xuất huyết; tư vấn và tiêm phòng bệnh dại cho gần 8.000 người...
Quên lợi riêng vì lợi ích chung
Chừng ấy con số chắc chắn chưa đủ giúp người ngoài cuộc có một cái nhìn chính xác nhất về những khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ YTDP gặp phải trong quá trình làm việc. Còn nhiều khó khăn khác, cả sự hiểm nguy mà họ vẫn thường xuyên phải đối mặt. Đó là sự hiểu nhầm, lảng tránh của người bệnh và người thân; là sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác này với đội ngũ y - bác sỹ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập. Công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chế độ phụ cấp độc hại và công tác phí chưa thật thỏa đáng nên với những người làm công tác YTDP, khó khăn lại thêm phần khó khăn. Chính điều đó đã khiến không ít chiến sỹ trên trận tuyến phòng, chống dịch bệnh ngã lòng, không kiên tâm tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình. Tuy vậy, vẫn còn nhiều, rất nhiều cán bộ YTDP bám trụ với công việc, chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt. Bởi thế mà năm qua, họ đã góp phần quan trọng vào những thành tích chung của toàn ngành y tế Thủ đô: 99,75% số trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đầy đủ 7 loại vắc xin; 99,95% trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống đủ 2 lần Vitamin A; hoàn thành vượt mức 4 chỉ tiêu của chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm; 96,5% bệnh nhân tiêu chảy đến khám tại cơ sở y tế được điều trị bằng oresol, không có bệnh nhân tử vong tại y tế xã, phường; phần lớn người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn được quản lý và điều trị tại các cơ sở y tế...
Những gì mà các cán bộ YTDP đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.
- Hiện 84,4% xã, phường, thị trấn của Hà Nội đạt chuẩn quốc gia về y tế và hơn 90% số xã có bác sỹ công tác. - Nhiều đề án xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được ngành y tế Hà Nội triển khai có hiệu quả trong năm qua như: Đơn nguyên can thiệp tim mạch, hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính, thụ tinh trong ống nghiệm. - 3 bệnh viện vừa được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trung tâm y tế là BV Thận Hà Nội, BV Mắt Hà Đông, BV 09 điều trị bệnh nhân AIDS; thành lập mới Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường. - 62% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.