Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ và chuyện… cơ cấu, ưu tiên

Hoàng Thu Vân| 10/11/2015 06:26

(HNM) - 1. Vừa rồi, một ngân hàng có thông báo tuyển dụng lao động cho các đơn vị trong hệ thống. Ngoài các tiêu chuẩn quan trọng về bằng cấp (chỉ tuyển hệ chính quy) là những yêu cầu khá khắt khe về tuổi tác, hình thức, đại loại là nam phải cao từ 1m65 và nữ từ 1m55 trở lên, tuổi dưới 30, có sức khỏe tốt và không bị dị tật… Nhìn chung, chỉ có vậy là quá hợp lý, chả ai thắc mắc, dị nghị.


Nhưng chuyện là ở chỗ… đối tượng ưu tiên. Thông báo nêu rõ: "Đối tượng ưu tiên là: Con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100); trường hợp có từ 2 người con trở lên tham dự kỳ thi cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho một người con".

Tóm lại, nếu là đối tượng ưu tiên, hưởng ngay gần 1/3 số điểm.

Đúng là ý nghĩa nhân văn trong xã hội; ghi nhớ, tôn trọng, biết ơn công lao, sự đóng góp của lớp người đi trước là hết sức cần thiết; song việc "ưu tiên" cộng thêm gần 1/3 số điểm đã là hợp lý hay chưa thì để công luận xem xét.

2. Tính tới ngày 3-11-2015, 63 địa phương của cả nước đã tổ chức xong Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là nhân sự trong giai đoạn mới, bởi điều đó có ý nghĩa quyết định tới phương hướng phát triển của các địa phương.

Theo Chỉ thị số 36-CT/TƯ, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị, về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới phải đặc biệt coi trọng về tiêu chuẩn, trước hết là căn cứ vào quy hoạch cấp ủy, gắn với quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới thực sự có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để bảo đảm tính kế thừa, phát triển liên tục của đội ngũ cấp ủy. Các cấp ủy cần có ba độ tuổi, phấn đấu có ba độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh và dưới 35 tuổi đối với cấp ủy huyện) không dưới 10% tổng số cấp ủy viên…

Như vậy có một số cụm từ cần đặc biệt chú ý: Coi trọng về tiêu chuẩn; chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới thực sự có đức, có tài; quan tâm tới cán bộ trẻ, cán bộ nữ; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15%; tỷ lệ cán bộ trẻ không dưới 10%...

Định hướng chỉ đạo, mục tiêu hướng đến là vậy. Hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đây cũng chính là chiến lược đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ trong thời kỳ mới, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Do đó, các cụm từ nêu trên trong Chỉ thị số 36-CT/TƯ của Bộ Chính trị có mối quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Cụ thể từ việc phát hiện tới bồi dưỡng, đào tạo, rồi đưa vào quy hoạch và dành những tỷ lệ ưu tiên cần thiết trong cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.

Trên thực tế, thống kê cho thấy, có trên 10 tỉnh, thành phố có kết quả bầu với tỷ lệ cán bộ nữ trong ban chấp hành cao hơn 15%. Về tỷ lệ cán bộ trẻ, tuy số lượng đảng bộ tỉnh, thành phố có cán bộ trẻ trên 10% không nhiều nhưng có những địa phương như Kon Tum đạt tới 12,69%; Đà Nẵng đạt 13,46% - tức là cao hơn so với quy định tại Chỉ thị 36-CT/TƯ…

Thế mới là phấn đấu, là vươn tới… Không có nghĩa "xếp hàng" chờ đến lượt.

Nếu chỉ vì lý do "cơ cấu", hoặc được cộng thêm điểm ưu tiên nhiều như chuyện đã nêu ở ngân hàng nọ mà bổ nhiệm, bố trí cán bộ trình độ, năng lực cũng vừa phải, đặc biệt là thiếu đức, thiếu tài thì cũng nguy hiểm lắm thay đối với sự phát triển của các bộ, ngành, các địa phương và nhìn rộng ra là sự đi lên của đất nước trong giai đoạn mới? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ và chuyện… cơ cấu, ưu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.