Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ tư pháp xã: Vừa làm, vừa run!

Hà Phong| 05/04/2010 07:12

Việc nhiều, người ít

Công bằng mà nói, ngay từ sau khi hợp nhất, ngành tư pháp TP Hà Nội đã nhanh chóng ổn định tổ chức, cơ sở vật chất để bắt tay ngay vào việc. Trong thời gian ngắn, TP đã xem xét ban hành 183 văn bản trên tổng số 279 văn bản đã qua Sở Tư pháp thẩm định, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành chỉ đạo, thực hiện thống nhất. Tuy nhiên, công tác tư pháp của Hà Nội hiện phát triển chưa đồng đều. Có những mảng việc đạt được kết quả đáng khích lệ như kiểm tra và xử lý văn bản… nhưng còn có những lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu.

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Bách Khoa.

Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Hà Nội Bùi Văn Quang, mặc dù năm qua đã có thêm 2 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm, nâng tổng số trợ giúp viên pháp lý lên 10 người nhưng số lượng trợ giúp viên pháp lý này vẫn chưa đủ để đáp ứng hoạt động tuyên truyền pháp luật, tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng. Cán bộ ít là vậy nhưng năm 2010 công tác trợ giúp pháp lý tại Hà Nội sẽ phải đảm nhiệm nhiều việc lớn như tổ chức tuyên truyền pháp luật lưu động ở các cơ sở, đặc biệt là tại các xã nghèo; tiến hành khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân tại các vùng sâu, vùng xa; đào tạo nguồn trợ giúp viên; cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên của trung tâm tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý; tập huấn nghiệp vụ cho trợ giúp viên, chuyên viên và cộng tác viên…

Vừa làm, vừa run...

Thiếu hụt nhân lực không chỉ ở mảng trợ giúp pháp lý. Theo khảo sát của PV Báo Hànộimới, hiện Hà Nội còn 10 quận, huyện có 4 cán bộ tư pháp trở xuống, thậm chí tại các huyện như Ứng Hòa, Ba Vì mới chỉ có 2 người; trong khi đó, đội ngũ chuyên trách này phải đảm nhiệm khoảng 11 đầu việc khác nhau. Tại cấp xã, tình hình còn bi đát hơn khi số cán bộ trình độ trung cấp luật không nhiều. Để tạo sức bật mới cho ngành tư pháp, TP đang chỉ đạo triển khai củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và giao Sở Tư pháp tập huấn về chuyên môn để nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ này nhưng để đạt đến sự chuyên nghiệp trong công việc thì chắc còn lâu cán bộ cơ sở mới đáp ứng được. Bởi lẽ, hợp nhất về Hà Nội, mọi giấy tờ và thủ tục đòi hỏi phải chặt chẽ, quy củ hơn nhưng vì thiếu chuyên môn và kinh nghiệm nên nhiều cán bộ ở cấp thôn, xã vẫn vừa làm, vừa… run. Ông Nguyễn Đình Thành, cán bộ tư pháp xã Vân Canh, huyện Hoài Đức kể lại thành tích thuộc loại hy hữu của mình, rằng ông đã phát hiện ra một giấy ủy quyền sử dụng đất giả được đem đến xã chứng thực. Nếu trót lọt, người ta có thể trục lợi được hàng tỷ đồng. Song, ông Thành cũng thừa nhận, việc ông phát hiện giấy tờ giả người ta đem đến xã chứng thực ấy cũng rất tình cờ chứ chẳng phải ông có chuyên môn gì sâu. Bởi, khi đảm nhận công việc này, ông cũng chỉ có vài buổi được đi tập huấn.

Cùng mang nỗi lo giống ông Thành còn rất nhiều cán bộ tư pháp địa phương khác khi công tác chứng thực được chuyển giao về địa phương. Trung bình mỗi ngày, họ phải công chứng cho hàng trăm loại giấy tờ, văn bằng... Để đáp ứng kịp tiến độ, họ chỉ biết làm việc như một cái máy, chẳng có thời gian đâu mà soi xét kỹ. Trong khi đó, công nghệ làm giả giấy tờ hiện nay hết sức tinh vi. Lãnh đạo UBND cấp xã do bận nhiều việc nên việc phân công trực lãnh đạo để ký văn bản chứng thực cũng khó khăn khiến người dân phải đợi lâu.

Theo luật gia Lê Hồng Sơn, chính quyền cấp xã như "Nhà nước thu nhỏ", hằng ngày những công chức xã, phường phải giao dịch, xử lý các sự vụ trên mọi lĩnh vực, liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn. Nếu các bất cập về nhân lực, vật lực không được giải quyết thì e rằng mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp vẫn còn quá xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ tư pháp xã: Vừa làm, vừa run!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.