Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ không thể nói… không biết!

Hoàng Thu Vân| 29/08/2012 06:26

(HNM) - Những ngày qua, dư luận xã hội đang xôn xao trước sự việc một di tích cấp quốc gia là chùa Trăm Gian (thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị phá đi xây mới khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Một chuyện tày trời như vậy không phải là "cái kim trong bọc", mà càng lạ hơn khi diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật tới mấy tháng trời.



Sự việc trên hiện đang được phân tích mổ xẻ chứ không thể chỉ người trụ trì nhà chùa đứng ra nhận trách nhiệm là đủ. Và trong đó không thể không xem xét vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý. Liệu họ không biết những chuyện đã xảy ra hay họ cho rằng việc trùng tu, xây dựng lại di tích lịch sử văn hóa không thuộc phần việc mà họ có trách nhiệm quản lý? Đây là những việc cần phải làm rõ, bởi nó còn liên quan tới một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là trình độ, năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay.

Nhìn lại, thời gian qua các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Thành ủy, UBND TP đã phải chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, quyết liệt xử lý các sai phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này. Điều đó cũng cho thấy, hiện đang có "lỗ hổng" về nhận thức của chính quyền các địa phương, của đội ngũ cán bộ cơ sở được giao trách nhiệm quản lý về lĩnh vực này. Bên cạnh việc cần xem xét về đạo đức, phẩm chất những người thực thi nhiệm vụ quản lý về trật tự xây dựng cũng cần xem lại về năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác này liệu đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế? Chắc chắn nếu họ làm tốt công việc của mình và chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý thì các vi phạm sẽ được phát hiện xử lý nhanh chóng ngay từ khi mới phát sinh chứ không xuất hiện hàng trăm vụ việc phức tạp, tốn công tốn của để rồi phải "chữa cháy" như hiện nay.

Tương tự như vậy còn là tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp; lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ; giao đất nông nghiệp không đúng thẩm quyền; tổ chức đấu thầu đất xen kẹt ở một số địa phương không đúng quy định của pháp luật… Với tất cả những vấn đề đó không thể không xem xét tới trách nhiệm, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Sự bất cập về năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ đã khiến cho nhiều địa phương lúng túng khi cụ thể hóa các kế hoạch công tác; đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở còn hạn chế, lúng túng nhất là trong công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới… Trong khi ai cũng biết "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", chất lượng cán bộ quyết định hiệu quả công việc.

Bộ máy hành chính xã, phường, thị trấn chính là nơi gần dân nhất, nắm vững tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của người dân; là "cầu nối" trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với người dân, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, để xây dựng chính quyền cơ sở thực sự vững mạnh thì phải gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và năng động. Thực tế trên cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cũng chính là mục tiêu Đảng bộ TP Hà Nội quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ không thể nói… không biết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.