Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ hộ tịch phải giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ đến khả năng giao tiếp

Hà Phong| 17/07/2015 17:37

(HNMO) - Ngày 17-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Hộ tịch.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, đây là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh riêng lĩnh vực hộ tịch với nhiều quy định mang tính đột phá sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ. Đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, đồng thời kết nối, cung cấp thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; gắn việc cung cấp khai sinh với việc cấp số định danh cá nhân. Với cơ sở dữ liệu quan trọng này, thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất. Các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng thông tin để giải quyết các yêu cầu của người dân nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật .

Hội nghị đã nghe tình hình thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch; các điểm cần lưu ý trong việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; thực trạng và định hướng kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại các địa phương.

Theo đề xuất của các địa phương, việc triển khai Luật Hộ tịch liên quan đến nhiều cơ quan hữu quan. Chính phủ cần cụ thể hoá nhiệm vụ từng bộ ngành, tỉnh, thành phố để thực hiện cho sát thực tế địa phương. Đồng thời sớm tập huấn cho công chức hộ tịch cấp quận, huyện và sau đó tập huấn công chức cấp phường, xã trước tháng 11-2015 để có bước tiếp cận tập dượt công việc, bảo đảm từ 1-1-2016- thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực, UBND cấp huyện có thể giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và nhiều thủ tục liên thông.

Đề cập cụ thể hơn, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho hay, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương và của thành phố Hà Nội về cải tiến mô hình quản lý và đăng ký hộ tịch theo hướng tập trung việc đăng ký hộ tịch vào 02 cấp là cấp xã và cấp huyện, UBND quận đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn quận cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch tại quận và phường hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn chức danh theo quy định, có trình độ đại học trở lên, đã làm công tác tư pháp hộ tịch từ 05 năm trở lên.

Tuy nhiên, không chỉ trong công tác tư pháp mà trong các công tác quản lý nhà nước khác, mọi vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài lâu nay đều do cấp tỉnh giải quyết, vì thế trong nếp nhận thức, nhất là nhận thức của cấp xã phường, tâm lý e ngại vấn đề có yếu tố nước ngoài là một trở ngại không nhỏ.

Trong khi đó, việc tăng thêm yếu tố nước ngoài vào công vụ đòi hỏi phải có sự chuyển đổi về chất từ chuyên môn nghiệp vụ đến khả năng ngôn ngữ, giao tiếp; sự am hiểu không chỉ Luật Hộ tịch mà còn các luật khác liên quan như hộ tịch, công chứng, dân sự, lao động... và không chỉ dành cho cán bộ chuyên trách làm công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài mà cả cho cán bộ, chuyên viên khác trong hỗ trợ, phối hợp giải quyết.

Hiện nay cũng chưa rõ nội dung của sự chuyển giao thẩm quyền cấp thành phố và quận là gồm những vấn đề gì. Vì vậy phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, trong đó trọng tâm là Nghị định quy định chi tiết và thông tư hướng dẫn.

Điểm cốt lõi nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là phải quy định thật rõ quy trình thực hiện, cơ chế phối hợp trên cơ sở phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ này của cấp quận không phải thực hiện dưới dạng xin - cho trong quan hệ với cơ quan khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ hộ tịch phải giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ đến khả năng giao tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.