(HNM) - Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận là vấn đề cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Nhận xét về những bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: Chính sách tiền lương của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập ở cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đó là lý do lần này Ban Chấp hành Trung ương thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp và dự kiến ra Nghị quyết về vấn đề này. Những bất cập này là:
Đối với khu vực công: Chính sách tiền lương khá phức tạp, chưa tuân theo quy luật kinh tế thị trường, chưa thiết kế hệ thống thang lương, bảng lương theo vị trí việc làm, còn bình quân, cào bằng, quá coi trọng thâm niên, chưa gắn với kết quả công tác, không tạo được động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định về mức lương và cơ cấu tiền lương chưa hợp lý: Mức lương cơ bản được quy định bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã che lấp giá trị thực của tiền lương và còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương.
Việc nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm; việc nâng lương đối với sĩ quan vừa theo chế độ phong, thăng cấp bậc quân hàm, vừa theo thâm niên không nhất quán. Việc xét và thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cơ chế quản lý tiền lương chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn tiền lương với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chậm thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc thực hiện xã hội hóa và điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm.
Đối với khu vực doanh nghiệp: Bộ luật Lao động tuy đã có quy định về tiền lương tối thiểu nhưng nhiều nội dung chưa cụ thể, việc thực hiện chức năng bảo vệ người lao động còn hạn chế; vai trò của Hội đồng Tiền lương quốc gia chưa đáp ứng được kỳ vọng; các chế tài xử lý vi phạm tiền lương tối thiểu chưa đủ mạnh, thiếu biện pháp và cơ chế giám sát thực hiện.
Chưa phát huy được tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền chính sách tiền lương chưa đầy đủ, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên.
Cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn liền với tiền lương của người lao động, với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Phân phối tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Về vấn đề lương cho đội ngũ cán bộ, công chức của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - hai vùng được cho là có năng suất lao động cao nhất cả nước, phải giải quyết rất nhiều đầu việc, nhưng mức lương hiện nay lại “cào bằng”, ông Ngọ Duy Hiểu phân tích: Đây là vấn đề cụ thể về sự không công bằng đã tồn tại nhiều thập kỷ. Tương tự ở TP Hồ Chí Minh, làm việc ở một đô thị đặc biệt, các cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu cao và nhiều áp lực, trong khi giá cả ở Hà Nội lại rất đắt đỏ. TP Hồ Chí Minh với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua đã có chính sách tăng lương cho cán bộ, công chức ngay trong năm 2018.
Ngay cả lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp, chúng ta đã thiết kế thành vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4. Vì thế, theo ông Ngọ Duy Hiểu, cải cách chính sách tiền lương là cơ hội để khắc phục vấn đề này. Cụ thể, trung ương cần đề cập một số định hướng về đặc thù lương cho các đô thị đặc biệt, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; cũng như đặc khu được hình thành trong tương lai.
Từ những định hướng này, Chính phủ có thể giao cho các địa phương đặc thù như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thiết kế một thang, bảng lương cụ thể hơn, sát hơn đối với từng vị trí việc làm cụ thể, tạo động lực sáng tạo, làm việc hiệu quả, tăng năng suất lao động.
Với câu hỏi - "Khi Hà Nội chưa có cơ chế đặc thù như TP Hồ Chí Minh, thì cơ hội tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức dựa vào cơ sở nào, nó có phù hợp với Luật Thủ đô hay không" - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: Việc này hoàn toàn có cơ sở pháp lý nếu được trung ương thông qua. Luật Thủ đô không cấm vấn đề này. Vấn đề là trong Nghị quyết được ban hành trên cơ sở Đề án, phải ghi nhận vấn đề này. Sau đó các cơ quan trong hệ thống nhà nước sẽ thể chế hóa. Cán bộ Thủ đô và một số địa phương đặc biệt phải được hưởng mức lương cao hơn bình quân chung của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.