(HNM) - Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; công tác giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn chậm; việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, đơn vị còn hạn chế...
Lĩnh vực đất đai là điểm nóng về khiếu nại, tố cáo được ngành thanh tra tập trung giải quyết. Ảnh: Linh Ngọc |
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Hiệu quả rõ nhất là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, nhất là việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân. Do đó, dù số công dân đến cơ quan nhà nước KNTC và số đoàn đông người tăng so với năm 2013 nhưng đa số các vụ việc mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm; nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng đã trở thành công việc thường xuyên của các ngành, các cấp, góp phần quan trọng giữ vững ổn định an ninh chính trị - xã hội.
Tại hội nghị trực tuyến, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ kết quả và kinh nghiệm triển khai. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cho biết: "TP Hồ Chí Minh có địa bàn rộng, có trụ sở tiếp công dân TƯ nên lượng người dân các tỉnh đến rất đông. Trước thực tế đó, thành phố đã phối hợp tốt với các tỉnh, các cơ quan chức năng TƯ để mỗi đơn vị có trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ của mình. Thành phố tổ chức giao ban định kỳ, kịp thời giải quyết ngay các vụ việc mới phát sinh và duy trì việc lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh là đã xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa các ban thuộc các cơ quan của thành phố, đồng thời tiếp thu ý kiến của các tổ chức xã hội liên quan đến vấn đề KNTC. Và điều quan trọng là trong triển khai giải quyết KNTC đã đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế như: Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; thủ trưởng một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn; nhiều vụ việc giải quyết chưa bảo đảm quy trình, quy định; việc giải quyết một số vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm…
Lĩnh vực tài chính, tiền tệ được ngành thanh tra tập trung xử lý trong năm 2015. Ảnh: Trần Hải |
Theo phân tích của Thanh tra Chính phủ, hạn chế đó cho thấy chất lượng thực thi công vụ của các cơ quan hành chính còn nhiều hạn chế, cán bộ thực thi nhiệm vụ còn né tránh, đùn đẩy. Một số địa phương, tình trạng giải quyết các vụ việc KNTC theo thẩm quyền còn chậm. Đáng chú ý, việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của ngành thanh tra trên một số lĩnh vực hiệu quả còn hạn chế. Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng, thực hiện chính sách xã hội... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và chưa quan tâm tới công tác PCTN. Việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, chưa tương xứng với thực trạng vi phạm vì theo báo cáo, chỉ có các địa phương: Bạc Liêu, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi và 2 bộ, ngành: Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước phát hiện tham nhũng qua thanh tra. Hơn nữa, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thu hồi tài sản, đất đai chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự ổn định, phát triển của đất nước thời gian qua có sự đóng góp của ngành thanh tra. Do đó, nhiều địa phương không phát sinh các vụ khiếu nại đông người. Dẫn chứng TP Hà Nội là một trong những đơn vị tiêu biểu làm tốt công tác, lãnh đạo thành phố trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện, duy trì việc này, tăng cường đối thoại với người dân, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC. Cùng với việc dành thời gian tiếp dân, đối thoại với dân; lãnh đạo các đơn vị cần chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thanh tra…
Năm 2014, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách 51.583 tỷ đồng, 1.682,6ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. Qua công tác thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, trong đó có 8.059 tỷ đồng kiến nghị thu hồi qua thanh tra hành chính (đã thu hồi được 639 tỷ đồng) và 43.524 tỷ đồng qua hoạt động thanh tra chuyên ngành (đã thu hồi 12.553 tỷ đồng). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.