(HNM) - Hà Nội vừa đưa tuyến đường cao tốc đô thị trên cao đầu tiên vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ sau mấy ngày, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra như một cảnh báo về tình trạng vi phạm luật giao thông tại tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô này...
Lực lượng CSGT đội 4 xử lý xe máy vi phạm tại đường cao tốc trên cao. Ảnh: Bá Đô |
Ban An toàn giao thông Hà Nội, CATP và Sở GTVT Hà Nội đã có quy định về việc tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông cho ô tô tại đường trên cao (ĐTC) Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm (dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - bắc Hồ Linh Đàm, đường Vành đai 3 TP Hà Nội), cụ thể: "Tại ĐTC, cấm tất cả các phương tiện được phép lưu thông dừng, đỗ xe, chỉ thực hiện việc dừng, đỗ trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định. Ô tô (xe tải, xe khách, xe con) từ cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng đi cầu Thanh Trì, đi các tuyến đường phía bắc Vành đai 3, được đi trên tuyến ĐTC. Tuyệt đối nghiêm cấm các loại xe 2 bánh, 3 bánh, 4 bánh tự chế và người đi bộ lưu thông trên ĐTC. Các phương tiện trên và người đi bộ chỉ được lưu thông theo quy định tại đường phía dưới của ĐTC".
Thế nhưng ngay sau khi ĐTC thông tuyến, đã xuất hiện nhiều xe máy chạy trên con đường hiện đại này bất chấp việc trên đường dẫn lên đều có biển ghi rõ chỉ dành cho xe ô tô lưu thông. Việc xe máy (thậm chí cả xe đạp) đua chen với ô tô, kể cả đi ngược chiều trên ĐTC diễn ra khá phổ biến. Chưa kể đến tình trạng xe khách đỗ, dừng đón trả khách, gây ra cảnh người đi bộ tụ tập, đi ngược đi xuôi trên đường, hết sức nguy hiểm… Thế nên, mới xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng như vừa qua.
Lâu nay, có một nghịch lý là khi xảy ra tai nạn giao thông, dù là lỗi hoàn toàn thuộc "xe nhỏ", nhưng nếu gây chết người thì thường là "xe lớn" chịu tội. Quan niệm sai lệch này đáng buồn là lại được một bộ phận xã hội mặc nhiên thừa nhận. Giờ đây, sau cái chết của hai người trong hai vụ tai nạn liên tiếp vừa xảy ra trên ĐTC, dư luận đã bày tỏ quan điểm theo hướng tích cực hơn là đã đến lúc cơ quan chức năng không thể nương nhẹ với những người cố tình vi phạm giao thông, dù điều khiển bất cứ loại phương tiện nào - đồng nghĩa với việc họ đã không tôn trọng mạng sống của chính mình và gây ra tai nạn hoặc hậu quả cho người khác. Anh Lê Văn Dũng nhà ở phố Núi Trúc (Ba Đình), một người nhiều năm làm việc ở ngoại quốc, cho biết: Ở nước ngoài, họ phân xử đúng - sai rất rõ, người điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường bị chết vì tai nạn giao thông, thậm chí gia đình người đó còn phải bồi thường thiệt hại cho người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường đâm phải. Ở nước ta cũng đã có các quy định (Điều 220 Bộ luật Hình sự, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…) nhưng xem ra xử lý người đi bộ, đi xe đạp, xe máy ngược chiều bị tai nạn vẫn là việc khó. Phiên tòa được TAND huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) xét xử vào năm 2009 tuyên phạt một nữ sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên 9 tháng tù giam và 18 tháng thử thách vì tội đi bộ, trèo qua hàng rào phân cách sang đường khiến một người điều khiển xe gắn máy đi đúng chiều đường không kịp xử lý, đã đâm vào lề đường và bị tử vong, cho đến nay vẫn là phiên tòa hiếm hoi loại này ở nước ta.
Nhiều người vẫn cố tình đi xe máy tại đường cao tốc trên cao. Ảnh: Vũ Hiệp |
Hiện nay, tai nạn giao thông ở nước ta đang trong tình trạng "báo động đỏ", gây ra cái chết cho khoảng 30 người mỗi ngày. Nguyên nhân thì có nhiều: ý thức người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng, phương tiện kém chất lượng… và luôn được cơ quan có trách nhiệm lặp đi lặp lại năm này qua năm khác khi bàn về biện pháp khắc phục, giải quyết mà chưa có giải pháp hữu hiệu.
Trong văn bản hỏa tốc ngày 23-10-2012, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường Vành đai 3. Cụ thể, giao CATP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân hai vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường này ngay khi vừa thông xe; đề xuất giải pháp phù hợp để ngăn chặn tai nạn giao thông, báo cáo UBND TP Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trước ngày 30-10. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra 24/24h, xử lý nghiêm với mức cao nhất theo quy định đối với các trường hợp phương tiện giao thông lưu thông trên đường Vành đai 3 (từ cầu Phù Đổng đến nút giao Mai Dịch, đường cao tốc trên cao) không đúng quy định, làm rơi bùn, đất trên đường. Đặc biệt, CATP, TTGT cần lưu ý các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy lưu thông trên đường cao tốc, các phương tiện ô tô dừng đón trả khách, "xe ôm" đón khách trên đường cao tốc. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng phải phối hợp với CATP và Sở GTVT cùng các cơ quan báo chí trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô các quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc; UBND các quận, huyện, nơi có tuyến đường cao tốc đi qua, tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống truyền thanh của phường, xã về các quy định bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc, hạn chế những tai nạn nghiêm trọng xảy ra…
Quy định đã có, biện pháp tổ chức thực hiện cũng đã được xác định. Để đi được vào cuộc sống và mọi người đều tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện, cơ quan CA rất cần áp dụng biện pháp xử phạt ở mức nặng nhất đối với các vi phạm, không có bất kỳ một sự nương nhẹ, nể vì nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.