(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương tiêu biểu của tinh thần dám làm và dám tự nhận trách nhiệm trong mọi công việc.
Năm 1945, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bầu làm Chủ tịch nước đầu tiên của Nhà nước non trẻ, Người đã cùng Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc". Chính phủ non trẻ mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội còn chưa ổn định, vì thế Người đã đứng ra nhận trách nhiệm với quốc dân đồng bào: "Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho nhân dân. Có thể nói rằng: Những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác… Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm là lỗi tại tôi".
Việc làm của Bác - người lãnh đạo cao nhất của đất nước - không chỉ khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi thành viên Chính phủ lúc bấy giờ, mà đã thực sự đem lại niềm tin yêu, cảm phục của người dân đối với những người lãnh đạo đất nước, từ đó góp phần tạo nên động lực thúc đẩy mọi người đoàn kết, sát cánh bên nhau, đưa cuộc cách mạng của dân tộc đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Từ tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta soi vào tình hình thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội hôm nay. Chúng ta không khỏi chạnh buồn khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ có chức vụ cao sa sút về lý tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ không chịu tu dưỡng, rèn luyện mình, không khép mình vào trong tổ chức mà cấu kết với nhau tạo thành những nhóm lợi ích bòn rút của công, lấy của dân, chia chác những đồng lương "khủng" từ mồ hôi, công sức của người lao động.... Trớ trêu là nhiều người trong số họ trên không ít diễn đàn lại luôn chứng tỏ mình là người trong sạch và "dạy" người khác phải thế này, thế kia. Trớ trêu hơn nữa là họ cứ đương nhiên coi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng kia xảy ra ở nơi khác chứ không phải trong cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị do họ lãnh đạo.
Chả thế mà, trong 804 cuộc thanh tra, kiểm tra vừa qua của các cơ quan chức năng đã làm quyết liệt đến mức phát hiện được… 1 vụ tham nhũng nhỏ. Chưa bao giờ, cái hình thức "kỷ luật không nước mắt" là "rút kinh nghiệm sâu sắc" lại trở thành thứ bảo bối hữu hiệu, được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến như trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều cuộc đấu thầu "công khai minh bạch" công trình, dự án được nhắc đến thường ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, luôn đầy ắp những lời có cánh với những con số đẹp như mơ, mà chỉ sau khi quyết toán công trình nó mới được thay đổi "do xuất phát từ tình hình thực tế". Và rồi, chuyện chỉ có nhà mình, tổ mình, phố mình, cơ quan, đơn vị mình… là làm tốt, là tiêu biểu, còn nơi khác là yếu kém... cũng ngày càng phổ biến. Chả thế mà các danh hiệu thi đua cũng nhiều đến mức khó mà tính xuể, đã khiến cho bệnh thành tích biến thành "chuyện thường ngày". Tình trạng đó đang làm biến dạng giá trị tốt đẹp của đạo lý ứng xử mà người Việt luôn tôn trọng là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Chỉ nhìn lại câu chuyện đau lòng trong tuần qua chúng ta đã nhận đủ mọi cung bậc của cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.
Một vị bác sĩ đã trở thành ác quỷ khi ném xác bệnh nhân xuống sông. Phải khẳng định đấy chỉ là một hiện tượng mang tính cá biệt. Nhưng quan trọng hơn là, chúng ta thêm một lần được nghe những lời nói từ những người đồng nghiệp của gã đồ tể mặc áo blu ấy. Chia sẻ chân thành cũng có. Thanh minh cũng có. Đổ lỗi cho nhau cũng có. Đồng bảo tại cốt, cốt bảo tại đồng. Bởi xét ra thì, chẳng ai có lỗi gì trong vụ việc này ngoại trừ chính gã bác sĩ đó? Cơ quan nơi anh ta công tác còn chẳng biết anh ta làm gì, thì anh ta làm ở nơi này hay nơi khác, sao lại bảo là lỗi của người quản lý? Và chuyện này quá đau xót, nhưng còn bao nhiêu điều tốt đẹp của ngành y sao báo chí không nói? Như thế có phải là thiếu công tâm? Thậm chí, ngay cả chính báo chí cũng phải tự xem lại mình khi trước đó một số tờ báo đã quảng cáo rùm beng cho thẩm mỹ viện này, giờ cũng nhảy ra "phán" như mình vốn trước nay luôn luôn đúng.
Cái cách xử thế chỉ có chính mình luôn đúng và cái sai luôn thuộc về người khác nếu không bị lên án, thậm chí là tẩy chay khỏi đời sống xã hội, sẽ biến mỗi con người trở thành vô cảm trước cái đau, cái mất mát của đồng loại.
Có thể có những đòi hỏi gay gắt đến quyết liệt. Xin hãy nhìn nhận chúng như một phần của dư luận xã hội. Hãy tôn trọng tất cả những ý kiến trái chiều mà gay gắt ấy, để nhận ra chân lý bao giờ cũng là chân lý, dẫu sự thật nhiều khi nghiệt ngã hơn những điều mong ước.
Bởi, khi nói dối trở thành lối ứng xử thông thường. Sự che đậy, giấu giếm các sai lầm được coi là cách ứng xử khôn ngoan, đấy chính là mầm mống của những hành động phi nhân tính. Đừng cho mình cái quyền phán xét và quyết định số phận của người khác. Hình như, không ít người không biết hoặc không nhớ rằng "lời nói là đọi máu", nên không "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", đặc biệt trước những "sự thật mất lòng" kia?
Lối ứng xử "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" là con dao hai lưỡi, tạo cơ hội cho sự che đậy các mầm mống của một hiện tượng xã hội khác nảy sinh: Che giấu các hành vi sai trái. Khi hiện tượng này được chấp nhận để trở thành lẽ thông thường, đấy sẽ là lúc tình trạng chỉ có người khác sai, còn mình vô can, xảy ra phổ biến ở khắp mọi nơi.
Bác Hồ đã tự nhận trách nhiệm một cách thẳng thắn: "Những thành công là nhờ cố gắng của đồng bào. Những khuyết điểm là lỗi tại tôi". Chúng ta ngày nay đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải học tấm gương dám làm, dám chịu trách nhiệm sáng ngời của Bác. Đảng ở trong dân. Lòng dân là ý Đảng. Cán bộ, đảng viên trung thực, sống và làm việc vì dân, dám làm dám chịu trách nhiệm thì chỉ làm cho dân tin yêu hơn, làm cho Đảng mạnh lên.
Những ai biết là không đúng mà vẫn cứ làm, cái sai không phải của mình mà là của người khác, làm sai mà không biết lỗi - thì đó là những người không còn liêm sỉ. Khi cái lỗi này bị coi là thuộc về tập thể, về cơ chế thì như thế vai trò trách nhiệm, ý thức công dân đang bị phủ mờ trong những tầng nấc khái niệm rất thực tế mà lại rất mơ hồ. Căn bệnh đổ lỗi cho người khác đang làm tha hóa không ít cán bộ, đảng viên. Bắt đúng bệnh, nhưng nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong người bệnh có bệnh mà từ chối uống thuốc, để khi bệnh phát nặng quá thì không cứu được nữa". Vì thế: "Chúng ta cũng cần luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình".
Làm đúng những lời dạy của Bác, chắc chắn chúng ta sẽ chữa được căn bệnh đang phổ biến hiện nay: Căn bệnh đổ lỗi cho người khác!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.