(HNMO) - Cuối giờ chiều 20- 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội. Các đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo các bộ, ngành cùng dự.
Ưu tiên ngân sách cho Hà Nội
Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, với 12 điều. Điểm đáng lưu ý là, Bộ Tài chính chủ động đề xuất một số quy định về huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển Thủ đô.
Cụ thể, Hà Nội được áp dụng định mức phân bổ chi đầu tư và chi thường xuyên cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Nhà nước ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội để Hà Nội thực hiện vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do Hà Nội quản lý mà vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì UBND Thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án.
Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn ưu đãi khác, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Thủ đô để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.
Cũng theo dự thảo, Chính phủ đề nghị không quy định ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng toàn bộ tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao, mà quy định “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước” để bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai.
Thiếu tính đặc thù
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Nội dung tờ trình so với hiện hành sẽ hạn chế hơn hay tạo thuận lợi hơn cho Hà Nội? Người đứng đầu Quốc hội nêu quan điểm, nhất định Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội phải là tiền đề, bệ phóng để Thủ đô phát triển, còn nếu để “bó tay” hơn cơ chế hiện hành thì không cần xây dựng”.
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thông tin, các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách vẫn thiếu tính đặc thù. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA thì Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để bảo đảm công bằng trong phân bổ nguồn lực với các địa phương khó khăn khác, thì thay vì cấp phát một phần ODA cho Thủ đô Hà Nội, Chính phủ nên áp dụng cơ chế tăng mức vay về cho vay lại với lãi suất thấp, vì các dự án ở Thủ đô có thể thu được phí dịch vụ để trả nợ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng mọi quyết định đều phải phù hợp với khung khổ pháp luật, cụ thể là Luật Thủ đô và Luật Ngân sách Nhà nước và tinh thần là “Hà Nội không thua thiệt hơn hiện tại”. Nhiều ý kiến khác trong UBTV Quốc hội ủng hộ quan điểm này.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ những thách thức Hà Nội đang phải đối mặt. Đồng chí nêu rõ, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách hiện hành tạo nguồn lực cho thành phố khá thấp vì bình quân thường vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố Hà Nội 5 năm qua chỉ khoảng 30-35%. Mặt khác, một số quy định về cơ chế tài chính cho Thủ đô Hà Nội trong Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 nhưng đến nay chưa được Chính phủ hướng dẫn.
Với cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay, nếu không kịp thời có cơ chế tháo gỡ thì có thể dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng, khi mà tốc độ di dân tự do mà mật độ phương tiện giao thông không ngừng tăng. “Hà Nội là thành phố sự kiện và mỗi lần có sự kiện gì thì hết sức lo lắng. Tàu điện ngầm đến năm 2021 mới có thể sử dụng. Để giảm kẹt xe, tắc đường, hầu hết các tuyến xe buýt chạy trên địa bàn Hà Nội đều phải trợ giá để thu hút người dân sử dụng.”- đồng chí Hoàng Trung Hải dẫn chứng.
Trên quan điểm đó, đồng chí Hoàng Trung Hải đề xuất, vẫn có thể điều chỉnh để ban hành nghị định vừa tạo điều kiện hơn cho Hà Nội mà Hà Nội vẫn chia sẻ được với Trung ương như tăng mức đầu tư điều chỉnh cho Hà Nội theo danh mục được quyết định trên tinh thần cân đối chung. Tất cả đặc thù, sự phân cấp, phân quyền phải được thiết lập đúng luật, không có gì vượt qua được khuôn khổ pháp luật. Từ đó tạo ra sự năng động, nhạy bén và chủ động cho Thủ đô Hà Nội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bảo đảm bám sát điều 74 Luật Ngân sách, Điều 21 Luật Thủ đô và cần có đột phá, tạo lợi thế hơn so với trước đây cho Hà Nội.
Quan điểm, mục tiêu xây dựng Nghị định quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội của Chính phủ 1. Quan điểm - Bảo đảm tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Thủ đô, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thống nhất với các luật hiện hành. - Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 123/2004/NĐ-CP về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 123/2004/NĐ-CP. - Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý rủi ro; bảo đảm an toàn nợ công; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. 2. Mục tiêu - Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước. - Đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước. - Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.