(HNM) - Ngày 5-5, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một hội nghị toàn quốc được tổ chức kể từ khi Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác PCTN vào đầu năm 2013. Vì vậy, hội nghị này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đánh giá những mặt làm được đối với công tác PCTN trong thời gian qua cũng như triển khai các giải pháp khắc phục những bất cập tồn tại trong giai đoạn tới.
Như báo cáo của Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN Nguyễn Bá Thanh trình bày tại hội nghị, do có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với PCTN; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng có những chuyển biến rõ nét; Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực kiểm tra, rà soát nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội và như đánh giá trong báo cáo nêu trên: "Công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay". Vì vậy hội nghị được tổ chức là nhằm tìm ra khâu khó, việc vướng để từ đó đề ra giải pháp đẩy mạnh công tác PCTN. Và các ý kiến, tham luận tại hội nghị đã làm rõ hơn phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ, nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Còn theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Điểm chung giữa hai "định nghĩa" nêu trên là việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Song vấn đề đặt ra là hành vi tham nhũng để vụ lợi không thể hoàn thành nếu không được một số cá nhân, tổ chức, đơn vị tiếp tay. Khi cả xã hội đều "dị ứng" với tham nhũng, không hối lộ, đút lót, "bôi trơn" hoặc thực hiện những "công việc" mờ ám với những người có chức, có quyền nhằm một số mục tiêu nhất định thì liệu tham nhũng có cơ hội để nảy sinh? Giả dụ nếu người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ thì liệu CSGT có cơ hội nhũng nhiễu đòi "quà"? Người nhà bệnh nhân không xin xỏ, chạy vạy chuyện này, chuyện khác thì bác sĩ, y sĩ có cơ hội gợi ý "lót tay"? Hay như xây dựng đủ cơ sở hạ tầng, công khai tiêu chuẩn thì liệu còn có người ngược xuôi vác 4-5 lá đơn gửi chỗ nọ chỗ kia xin học, xin nâng điểm cho "con cháu" để nhận sự hàm ơn và những phong bì quà biếu gọi là "chút tình cảm"?...
Tóm lại, để PCTN hiệu quả cần bắt đầu từ ý thức, hành động của mỗi cá nhân và từng tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó là sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của xã hội. Như trong phát biểu kết luận hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người. Vì vậy PCTN không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN; phải dấy lên luồng dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.