Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng “động” trong bảo tồn và phát triển không gian Thủ đô

Bình Minh| 19/05/2010 06:22

(HNM) - Trong hai ngày (17 và 18-5), tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội thảo khoa học

Không gian Thủ đô sẽ được bảo tồn và phát triển tốt hơn nếu người dân và các cấp quản lý có nhận thức đầy đủ hơn. Ảnh: Trà My


Bảo tồn và phát triển Hà Nội theo mô hình "siêu đô thị mạng"
Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng, Ngô Trung Hải: Cân bằng "động" giữa đô thị vệ tinh và bảo tồn đô thị lõi được xem là điểm tựa bền vững, xu hướng tất yếu trong lựa chọn mô hình phát triển đô thị, nhằm đạt đến mức tương hỗ, hợp lý giữa nhu cầu gìn giữ di sản Hà Nội xưa và áp lực dân số ngày nay đang gia tăng. Các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh có tác dụng chia sẻ chức năng với đô thị lõi và kéo giãn dân cư. Đây cũng là kinh nghiệm hơn 40 năm phát triển giúp nước Pháp thành công trong việc gìn giữ không gian Paris cổ kính. Mô hình phát triển không gian Thủ đô Hà Nội sẽ theo hướng hyper city (siêu đô thị mạng), bao gồm hệ thống lõi trung tâm và các thành phố vệ tinh bảo đảm sự kết nối mạng giao thông công cộng mạnh, đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc.

Theo định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn có dân số xấp xỉ 13-60 vạn người/đô thị. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ… Trong đó, đô thị Hòa Lạc (diện tích 201km2, dân số 60 vạn người) mang tính chất đô thị khoa học, tập trung công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam và là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước và vùng. Đô thị Sơn Tây (diện tích 62km2, dân số 18 vạn người) đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cửa ngõ Tây bắc Thủ đô, chú trọng du lịch sinh thái, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Đô thị Xuân Mai (diện tích 66km2, dân số 22 vạn người) sẽ là đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía Tây nam Hà Nội. Đô thị Phú Xuyên - Phú Minh (diện tích 50km2, dân số 13 vạn người) là đô thị vệ tinh phía Nam Thủ đô, phát triển công nghiệp, kho tàng, dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa vùng. Đô thị Sóc Sơn (diện tích 60km2, dân số 25 vạn người) là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không ở cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc.

Đô thị hạt nhân đóng vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử… được giới hạn từ đô thị lõi lịch sử về phía Tây đến vành đai 4, về phía Bắc sông Hồng có Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên. Đô thị lõi lịch sử (giới hạn từ khu phố cổ, phố cũ đến khu vực vành đai 3 và vành đai xanh sông Nhuệ) được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt hệ thống di sản và phi vật thể. Trong đó, việc bảo tồn khu trung tâm chính trị Ba Đình và di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm khẳng định tầm vóc trung tâm quyền lực chính trị cao nhất cả nước, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vô giá của thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời, bảo tồn "giữ hồn" các khu phố cổ Hà Nội, các khu phố cũ (khu phố Pháp), cấu trúc đô thị, phong cách kiến trúc đặc trưng từng khu vực, các công trình có giá trị tiêu biểu (ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên…), vùng cảnh quan di tích Hồ Tây…

Thách thức và giải pháp phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Tỷ lệ đô thị hóa từ 20% (năm 1999) đến nay đã tăng lên gần 30%. Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt 12%-15%, tại một số đô thị lớn GDP bình quân đạt trên 1.500 USD/người, chất lượng đô thị từng bước được nâng cao về nhà ở, hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước… Tuy nhiên, có thể thấy bất cập tồn tại ở nhiều cấp độ, thuộc nhiều lĩnh vực trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm xây dựng phát triển đô thị ở nước ta và thực tiễn các nước trên thế giới, để quá trình phát triển các đô thị bền vững, chính quyền đô thị các cấp cần đặc biệt lưu ý 3 vấn đề.

Trước hết phải nâng cao chất lượng quy hoạch để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, phát triển và chỉnh trang, cải tạo đô thị. Quy hoạch phải gắn sát với thực tiễn và dự báo được xu hướng phát triển của xã hội. Đồng thời kiên quyết thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch, hạn chế tối đa phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân lo ngại: "Khi đi nhiều nơi thấy bà con ta cứ mở đường tới đâu là xây nhà tới đó, trông nhà cửa sầm uất đấy nhưng thiếu cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, thu gom chất thải… kiểu phát triển tự phát đó hiệu quả thấp, chất lượng sống không bảo đảm, phải hạn chế tối đa". Đặc biệt cần chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quy hoạch, nhà đất, đầu tư xây dựng … tạo nguồn nội lực để phát triển đô thị, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Nhất là việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Theo khảo sát điều tra của Bộ Xây dựng năm 2009, chỉ có khoảng 36% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý công tác xây dựng của TP, thị xã thuộc tỉnh, 27,5% công chức xây dựng - địa chính cấp phường, thị trấn đã qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Chính "vùng trắng" nghiệp vụ này đã làm hạn chế hiệu quả quản lý, điều hành xây dựng và phát triển đô thị của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tích cực để cộng đồng và người dân đô thị nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm tham gia xây dựng đời sống đô thị tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng “động” trong bảo tồn và phát triển không gian Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.