(HNMO) – Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia diễn ra sôi động là do giá dầu thế giới liên tục tăng, giá xăng dầu các nước láng giềng cũng điều chỉnh tăng cao, trong khi giá xăng dầu của Việt Nam do thực hiện cơ chế bình ổn nên vẫn duy trì ở mức thấp và chênh lệch ở mức 2.000 - 3.000 đồng/lít.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp… Phương thức vận chuyển cũng đa dạng, cả đường bộ, đường sông và đường biển, đối tượng tham gia chủ yếu là cư dân gần khu vực biên giới, phương tiện là các can nhựa loại 30 lít để vận chuyển sang biên giới bằng xe máy, xe đạp thậm chí vác bộ sang bên kia biên giới.
Trong 2 tháng đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh đã thu và bắt giữ: 32.409 lít xăng dầu, phạt hành chính và truy thu với tổng số tiền trên 125 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với 02 cửa hàng xăng dầu.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127 và Cục Quản lý thị trường đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu xăng dầu qua biên giới như ban hành văn bản quy định quản lý kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới; đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh biên giới rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, quy định giờ bán và lập chốt trên các tuyến đường vào khu vực biên giới... tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Trong tháng 3/2011: Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định kinh doanh xăng dầu qua biên giới
Trong một Hội nghị bàn biện pháp chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới mới được tổ chức tại TP. HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần cho cả nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng...
Theo đó, để khắc phục tình hình trên, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các Chi cục trong cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, các khu vực sát biên giới và xử phạt nặng những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương cũng sẽ sớm ban hành quy định kinh doanh xăng dầu qua biên giới để tăng cường công tác quản lý và có cơ sở xử lý vi phạm trong việc kinh doanh xăng dầu trái phép, chậm nhất sẽ ban hành các quy chế trong tháng 3 này, như giờ bán, cách thức bán, các chính sách hỗ trợ về kinh phí để tăng cường công tác chống buôn lậu. Các địa phương cần có quy hoạch rà soát lại các địa điểm bán xăng dầu để bố trí hợp lý.
Bên cạnh đó, về cơ chế giá xăng dầu, vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện đúng lộ trình, theo cơ chế quản lý nhà nước, đúng pháp luật, vừa đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các nhu cầu thiết yếu của thị trường. Do xăng dầu là mặt hàng có sức tác động rất lớn, tác động trực tiếp đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh giá xăng dầu phải thật cẩn thận để phù hợp về thời gian, về cách thức, không gây tác động lớn tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.