Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấm sử dụng chung cư làm văn phòng: Thiếu lộ trình, chưa khả thi

Hà Phong| 18/01/2010 07:08

(HNM) - Tròn 2 tháng sau khi Bộ Xây dựng có Công văn số 2544/BXD-QLN về việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng nhà chung cư. Theo đó, các căn hộ chung cư sử dụng sai mục đích như chuyển đổi thành văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên...


Ban quản lý phớt lờ

Theo khảo sát của PV báo Hànộimới, hiện nay các khu chung cư Trung Hòa, Nhân Chính, Yên Hòa, Trung Yên, Đền Lừ, Mỹ Đình, Linh Đàm - nơi tập trung nhiều công ty thuê làm trụ sở - vẫn chưa hề được ban quản lý khu nhà "hỏi thăm". Cũng hiếm có văn phòng nào chuyển đi sau khi Bộ Xây dựng ban hành lệnh công văn nêu trên.


Công ty LIVA có trụ sở đặt tại phòng 702, nhà F5, KĐT Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Ảnh: Đàm Duy

Hiện không ít hộ dân ở Khu đô thị (KĐT) Yên Hòa, Trung Hòa tỏ ra bất bình trước việc Ban quản lý tòa nhà phớt lờ yêu cầu của Bộ Xây dựng. Bà Nguyễn Thị Vui, sống ở phòng 703, tòa nhà F5, KĐT Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, ngay trong tầng 7, tòa F5 có một công ty thuê phòng 702 để kinh doanh gì thì không rõ vì biển hiệu toàn thấy tiếng nước ngoài. Công ty này bật máy chủ suốt từ sáng đến tối, gây tiếng ồn to, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh nhưng không thấy Ban quản lý Công ty Xây dựng dân dụng (Sở Xây dựng) xử lý. Vì thế, nhiều gia đình nghi ngờ tính khả thi của việc cấm.

Những người dân sống ở khu nhà này cũng phàn nàn về tình trạng các công ty đến thuê làm văn phòng làm gia tăng sức ép lên hạ tầng cơ sở. "Thang máy lúc nào cũng đông, ồn ào, người ra vào tấp nập, người dân phải cảnh giác hơn, chịu phiền phức hơn và dễ bị căng thẳng hơn. Rồi chuyện nhiều lúc không có chỗ để xe máy đã khiến không ít người có cảm giác mình là công dân hạng 3"... anh Nguyễn Ngọc Tiến nói.


Lộ trình khó thực hiện

Về vấn đề này, luật gia Nguyễn Ngọc Thiều cho rằng, ông và một số "thầy cãi" cũng đã ngồi lại thử phân tích, nhưng thấy rất khó thực hiện. Để buộc các văn phòng, cơ sở kinh doanh, sản xuất trong các căn hộ chung cư thuê chỗ mới đâu phải đơn giản về mặt pháp lý. Vấn đề này còn liên quan đến hàng loạt các văn bản pháp quy khác, chẳng hạn Luật Doanh nghiệp (DN), nếu DN không sai phạm thì chẳng có lý do gì đóng cửa họ được cả... Còn nếu lấy lý do họ sử dụng sai mục đích căn hộ để ra quyết định buộc họ phải ngừng kinh doanh hoặc chuyển văn phòng đi chỗ khác, trong trường hợp họ không chấp hành thì phải cưỡng chế dưới hình thức nào cũng chưa được hướng dẫn. Hơn nữa, với tình trạng biến căn hộ thành cơ sở kinh doanh phổ biến như hiện nay thì không biết đến bao giờ mới chấn chỉnh cho xong. Trong khi đó văn bản của Bộ Xây dựng gửi 6 tỉnh, thành ngày 19-11- 2009 cũng không ghi cấm ngay hay đề ra một thời hạn cụ thể nào nên cũng mới có tình trạng các địa phương không chú trọng khâu hậu kiểm.

Là người chuyên thẩm định, rà soát các văn bản pháp luật, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nói, nội dung công văn số 2544/BXD-QLN có câu "một số căn hộ chung cư được chủ sở hữu chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là trái mục đích sử dụng". Nhưng "trái mục đích sử dụng" do văn bản nào quy định thì công văn lại không nêu được. Chính vì không giải thích rõ ràng nên những nơi nhận công văn là UBND các tỉnh TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa "bí" khi tuyên truyền thực hiện... Theo ông Sơn, nếu sử dụng làm văn phòng ở nơi ít người qua lại, không gây ảnh hưởng hay tiếng ồn gì cả thì không cần thiết bắt đóng cửa. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây mất trật tự trị an, mất ổn định cuộc sống bình thường của người dân, dứt khoát phải đưa ra ngoài nhà chung cư. Song nếu sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu phục vụ tại chỗ và được người dân đồng tình và thấy có lợi thì cũng không cần phải "bắt" người ta đóng cửa. Vấn đề là chính quyền địa phương phải vào cuộc, trước hết phải tuyên truyền, vận động, giúp người dân và ban quản lý tòa nhà phân biệt được trường hợp nào làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng của những chủ sở hữu bất động sản liền kề để yêu cầu người ta ra hoặc có thể xử phạt đối với những hành vi đó. Nếu vẫn không được, việc xử lý đóng cửa, ngừng hoạt động là hoàn toàn đúng. Không chỉ vì nhu cầu một vài DN mà bỏ qua việc bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng cư dân trong các tòa nhà.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấm sử dụng chung cư làm văn phòng: Thiếu lộ trình, chưa khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.