Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cảm ơn vì đã viết về Hà Nội!”

Thi Thi| 01/04/2014 06:56

(HNM) - Xin mượn câu nói của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một tiểu thuyết gia, một người Hà Nội… để nói về tác phẩm mới nhất của cây bút văn xuôi Đỗ Bích Thúy. Một cuốn tiểu thuyết xinh xắn dựng lên sinh động


Phải nói, lời cảm ơn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với cây bút Đỗ Bích Thúy cũng là điều mà người viết muốn nhắc tới đầu tiên. Bạn đọc quan tâm vẫn trông chờ xem một cây bút chuyên viết và viết rất hay về đề tài miền núi này sẽ nhìn Hà Nội, sẽ yêu thương và dựng lại những góc đời sống của thành phố thế nào sau những tháng năm chị sống trong lòng nó! Đặc biệt là với giọng văn này, lối quan sát tinh tế này, cách sử dụng ngôn ngữ này… hứa hẹn một sự đồng điệu trong việc khám phá thêm những chiều sâu Hà Nội…



Từ cái ô cửa trên căn gác áp mái thân thuộc của mình ở vùng đất cổng trời, Đỗ Bích Thúy đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho bạn đọc về cảnh vật, cuộc sống và tâm hồn con người vùng cao. Và với cuốn tiểu thuyết mới này, Hà Nội dưới ngòi bút nhà văn đã hiện lên từ một ô cửa cũng nhiều năm gắn bó với chị - một cửa hiệu giặt là. Ngay từ trang đầu, tác giả đã chia sẻ "Những năm đầu tiên trở thành công dân Hà Nội, tôi sống trên phố Lê Văn Hưu cùng với gia đình chồng. Một con phố nhỏ, nhiều hàng ăn ngon… Một căn hộ hẹp, phải cơi nới hết mức có thể mới đủ để vừa ở vừa kinh doanh giặt là. Cửa hàng này do chồng tôi mở đã mấy chục năm, là một trong những địa chỉ giặt là tư nhân xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội".

Nhân vật là những người nhập cư tới mang theo tiếng nói, nếp sống của địa phương, và những người Hà Nội gốc dù ở chốn chật chội vẫn cố thủ bảo toàn sự tinh tế, nhịn nhường, cẩn trọng, lễ giáo của họ. Và điều thú vị là tất cả đều hiện lên với những góc đời thường sinh động, có cái chát chúa, thô mộc, có sự gàn dở, ương ngạnh… nhưng thể nào cũng toát lên nét đáng yêu.

Giọng văn nhẹ nhàng của tác phẩm gợi nhớ đến "Ngõ phố Hà Nội những khám phá" của nhà nghiên cứu người Nhật Ito Tetsuji. Nó nhẹ nhàng nhưng hết sức ám ảnh vì nó là đời sống. Ngôn ngữ nhân vật của Đỗ Bích Thúy cũng như vậy người nào ra người nấy, rõ mồn một như điện ảnh…

Có những đoạn rất hay, phảng phất hồn của Hà Nội xưa cũ, như đoạn Viên đạp xe trên phố, hay đoạn Oanh ngồi nói chuyện với bà chị chồng trong căn phòng chật hẹp (vốn xây trên nền nhà vệ sinh công cộng) của bà, với ánh nắng soi vào đáy chén nước chè, sánh vàng như mật ong… Chính giọng nói nhẹ nhàng của người phụ nữ ấy đã làm Oanh "muốn ứa nước mắt", nó gợi nhắc đến một Hà Nội thật là Hà Nội, vừa nhớ thương vừa xa xót…

Cuốn sách này cũng để lại nhiều trang viết xúc động. Người đọc thấy thương Trinh, thương Lê…, những con người trẻ trung, trong trẻo trôi dạt đến chốn thị thành này. Và nhất là Viên, một cô gái sinh ra lớn lên ở cái ngõ phố Hà Nội - cái bà chị hồn nhiên, có phần dở dở ấy nhưng hóa ra luôn lặng thầm hy sinh, chịu phận lép vế, nhịn nhường hết mức cho thằng em trai…

Đỗ Bích Thúy bảo, chưa có cuốn sách nào mà hết thảy các nhân vật đều khiến chị yêu quý như ở cuốn này… Có lẽ là với tâm thế thương yêu, đồng cảm, nhìn đời dí dỏm, nồng hậu như vậy mà "Cửa hiệu giặt là" đã chạm tới một góc tâm hồn của Hà Nội. Một Hà Nội nhạy cảm với rất nhiều sự va đập giằng xé giữa cái cũ và cái mới, vừa có cái đáng giận song lại cũng có cái đáng thương và nhất định là rất đáng sống, đáng tin tưởng như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng chia sẻ với Hànộimới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cảm ơn vì đã viết về Hà Nội!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.