Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cam kết trách nhiệm

Sông Bằng| 26/04/2010 06:37

(HNM) - Không lỗi hẹn, Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2010 lại diễn ra với chủ đề "Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP".

Đang ở giữa "Tháng An toàn" và trong thực tế đã có khá nhiều hoạt động nhằm siết chặt công tác quản lý về ATTP như: Ở cấp TƯ thì tất bật với hơn 30 cuộc thanh, kiểm tra tại các tỉnh, thành phố; còn ở Thủ đô Hà Nội, 6 đoàn kiểm tra liên ngành cũng vừa được UBND TP ra quyết định thành lập để kiểm tra công tác quản lý về ATVSTP của các cấp, ngành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Sự vào cuộc năm nay quyết liệt hơn, tập trung hơn; thế nhưng vẫn có không ít chuyện xảy ra khiến người dân thấy bất an.

Vì sao doanh nghiệp (DN) phải cam kết về trách nhiệm với ATVSTP? Trước hết phải thấy rằng, việc đề cao trách nhiệm của DN đối với ATTP trong “Tháng An toàn” là cần thiết. Bởi lẽ, trong thực tế có không ít DN vì lợi nhuận, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua hai chữ "an toàn" trong kinh doanh, chế biến thực phẩm. Việc chế biến thực phẩm bằng mỡ động vật thối hoặc sản xuất bánh, mứt kẹo có sử dụng chất bị ô nhiễm, chất gây ung thư, thậm chí là bột đá... đã xảy ra và đã từng được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó không ít vụ công nhân ở các DN, khu chế xuất bị ngộ độc tập thể.

Người tiêu dùng đang phải chịu đựng sự mất an toàn với nhiều tầng nấc. Thứ nhất, nguồn thực phẩm sản xuất thiếu an toàn. Cơ quan chức năng đã kiểm tra và thống kê mỗi ngày có trên hai triệu người ăn rau không an toàn bởi dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng quá cao do người sản xuất sử dụng trước khi thu hoạch và bán ra thị trường. Thứ hai, thực phẩm chế biến không bảo đảm vệ sinh; thực phẩm không rõ nguồn gốc bị tẩm hóa chất độc hại đã và đang tràn lan trên thị trường. Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm hoạt động, chưa kể các chợ tạm, chợ cóc tự phát, hoặc dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm ở khắp các địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất mà mầm họa ngộ độc cũng như mầm bệnh nguy hiểm bắt nguồn từ đây. Thứ ba, nguồn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta chưa có quy định cụ thể về nhãn mác, thời hạn sử dụng cùng những quy chuẩn về vệ sinh an toàn (nhiều nhất là phủ tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm) ngày càng nhiều. Trong khi đó, không ít DN lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng nhập thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn về rồi tung ra thị trường khi chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch. Hàng nghìn tấn động vật tươi sống, động vật đông lạnh bị thối rữa đã được tiêu thụ. Và như vậy rõ ràng những vụ ngộ độc thực phẩm khó mà giảm nổi. Nghịch lý ở đây là lực lượng kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu quá mỏng, mà số DN hoặc cơ sở kinh doanh thực phẩm thì ngày càng tăng, chưa kể có tới 50% số cơ sở tư nhân giết mổ động vật lậu đang hoạt động tại các địa phương vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Không thể vì lợi nhuận, mà DN quên đi trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. DN cần xem cam kết về ATVSTP chính là uy tín, là thương hiệu của mình. Vì xét tới cùng, thực phẩm an toàn sẽ giúp DN cạnh tranh và hội nhập tốt hơn. Đây cũng chính là bài toán kinh doanh tốt nhất, bền vững nhất mà một DN cần hướng tới. Với người tiêu dùng, không chỉ "thông thái" trong lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn vì sức khỏe cho bản thân và cho mọi người mà còn cần phải phát hiện, tố cáo hành vi sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm mất an toàn, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cam kết trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.