(HNM) - Sau hai năm cầm quyền, đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande và liên minh cánh tả đã thua đậm trong cả hai vòng của cuộc bầu cử địa phương vừa diễn ra.
Kết quả bầu cử được công bố ngày 31-3 cho thấy, đảng cánh hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) đứng đầu giành được 45,91% số phiếu. Trong khi đó, đảng Xã hội (PS) cầm quyền được 40,57% số phiếu và đảng cực hữu FN đứng thứ ba chỉ có 6,62 số phiếu. Một điều đáng nói nữa là ứng cử viên của đảng Xã hội Anne Hidalgo đã đánh bại đối thủ của UMP là Nathalie Kosciusko-Morizet để trở thành nữ đô trưởng đầu tiên điều hành thủ đô nước Pháp. Và cánh tả đã để "mất" 155 thành phố, trong đó có nhiều khu vực truyền thống như Quimper ở vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp, Belfort hay Limoges ở miền Trung nước Pháp.
Tân Thủ tướng Pháp M.Valls. |
Đúng như những gì đã dự đoán, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông chủ Điện Elysée không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải tiến hành cải tổ nội các với hy vọng thổi luồng sinh khí mới vào Chính phủ của đảng Xã hội trước khi các cuộc bầu cử quan trọng tiếp theo diễn ra như bầu cử Nghị viện Châu Âu, Thượng viện, Hội đồng cấp vùng... Thay đổi lớn nhất trong nội các là việc Tổng thống F.Hollande bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls làm tân Thủ tướng thay ông Jean-Marc Ayrault - nhân vật được cho là thân cận nhất của người đứng đầu đất nước hình lục lăng. Việc chỉ định ông M.Valls vào vị trí đứng đầu nội các mới đánh dấu bước ưu tiên tiếp theo cho các chính sách kinh tế hướng tới doanh nghiệp của Tổng thống F.Hollande. Tuy nhiên, sự bổ nhiệm này cũng có nguy cơ làm gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ PS.
Khi còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nội các của ông Jean-Marc Ayrault, ông M.Valls nổi tiếng về sự cứng rắn, kiên quyết, không ngại va chạm và không sợ mất uy tín trong việc xử lý dứt điểm nhiều hồ sơ "nóng" liên quan đến người nhập cư, bài người Do thái, trấn áp tội phạm. Những biện pháp xử lý có hơi hướng thiên hữu này, khiến tân Thủ tướng Pháp từng bị chỉ trích bởi chính những thành viên trong nội bộ PS - những người luôn cho rằng tính cách quá mạnh mẽ sẽ làm cho ông M.Valls khó có thể tập hợp được số đông.
Tân Thủ tướng M.Valls và nội các mà ông sắp thành lập cũng chịu áp lực lớn là phải làm việc hiệu quả và gắn bó nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách, đưa nền kinh tế Pháp sớm thoát khỏi sự trì trệ, tạo được bước đột phá trong bối cảnh vô cùng khó khăn do di sản của các chính phủ tiền nhiệm để lại và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Người nhận trách nhiệm chèo lái Chính phủ vượt qua các thử thách sẽ phải đối mặt với ba nhiệm vụ lớn là khôi phục kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, và tập hợp lực lượng trên cơ sở sự đồng thuận. Cụ thể, nhằm mang lại sức mạnh cho nền kinh tế, Thủ tướng M.Valls sẽ phải triển khai "Thỏa ước trách nhiệm" được thể hiện qua việc giảm các khoản đóng góp cho các doanh nghiệp và người dân để đổi lấy việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng và tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là việc giảm thuế cho người dân trước năm 2017 và giảm đóng góp bắt buộc cho người làm công ăn lương nhằm cải thiện chỉ số tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận cho rằng, nội các mới phải chứng tỏ hiệu quả hơn và cụ thể hơn trong hành động. Đó là tập trung mọi nguồn lực để chống nạn thất nghiệp và nghèo khó, chứ không chỉ chú trọng đến các vấn đề xã hội, vốn dễ gây chia rẽ xã hội Pháp. Chỉ có như thế, tỷ lệ ủng hộ ông F.Hollande mới không rơi xuống thấp hơn nữa trong các kỳ bầu cử tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.