(HNM) - Có thể nói, công tác cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh từ đầu năm 2018 đến nay diễn ra khá sôi động, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ.
Bảy tháng năm 2018, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Ảnh: Bá Hoạt |
75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2018, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 7,4%. Nếu tính cả 1.460,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2018 là 2.231 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 18.696 doanh nghiệp dừng hoạt động trước đây nay trở lại, tăng 6,5%; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2018 lên gần 94,5 nghìn doanh nghiệp.
Với kết quả khả quan trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, những hoạt động cụ thể nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh cho thấy sự cải cách đang đi đúng hướng, hướng tới sự hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn.
Không dừng ở đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ tập trung cao độ cho việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, hiệu quả thực chất. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nghiêm cấm các cơ quan quản lý không được tự ý ban hành thêm quy định điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ cũng thể hiện sự quyết tâm, đi đầu của cơ quan điều hành vĩ mô trước mục tiêu vì doanh nghiệp thông qua việc ban hành một số văn bản gỡ khó cho doanh nghiệp.
Cụ thể như Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, với nội dung nổi bật là bãi bỏ việc quy định về quy mô, cơ sở vật chất của thương nhân xuất nhập khẩu gas. Theo đó, các yêu cầu bất hợp lý trước đây như phải sở hữu ít nhất 150 nghìn vỏ bình gas... đã được bãi bỏ.
Cùng với đó, đến nay các bộ đều vào cuộc, chủ động rà soát, cắt giảm những điều kiện, quy định bất hợp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Việc Bộ Công Thương công bố cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh ở thời điểm đầu năm 2018, đã tạo ra cú hích lớn, kích đẩy phong trào hỗ trợ doanh nghiệp lên một ngưỡng mới của hầu hết các bộ, cơ quan quản lý trong suốt thời gian qua.
Đơn cử, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị hữu quan trong thực hiện đánh giá tác động đối với 173 thủ tục hành chính tại dự thảo của 19 văn bản quy phạm pháp luật nhằm bổ sung, đề xuất điều chỉnh, cắt giảm sao cho có lợi, thông thoáng, dễ thực hiện nhất cho doanh nghiệp. Bộ này cũng tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết toàn bộ điều kiện kinh doanh của 21 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Kết quả, từ 370 điều kiện kinh doanh ban đầu nay đã chọn lọc, đề nghị cắt giảm hoặc đơn giản hóa 190 điều kiện - chiếm 51%...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản
Quá trình cải cách, vì sự tiến bộ để phục vụ doanh nghiệp một cách kịp thời và thực chất là một chặng đường dài, luôn đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên, liên tục của các bộ, ngành, địa phương. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc đơn giản hóa quy trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa đạt kết quả mong đợi vì mới có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra; thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình là 76 giờ/thủ tục, tức cao gần gấp 3 lần so với các nước ASEAN - 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines)...
Đáng nói, đến nay, các bộ, cơ quan chức năng mới chỉ rà soát, đề nghị cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trong số gần 3.000 điều kiện kinh doanh cần cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện là không đều giữa các bộ và hiện chưa có con số thống kê cuối cùng về việc này. Rõ ràng, thực tế và những hạn chế này khó chấp nhận, nhất là xét trong bối cảnh Việt Nam đang thể hiện quyết tâm hoàn thiện thể chế, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, các doanh nhân luôn trông đợi vào sự cải cách, giảm thiểu những rào cản, khó khăn để doanh nghiệp ra đời, hoạt động một cách an toàn, trong môi trường thân thiện, phù hợp và có tính tương đồng với thông lệ quốc tế... Nói cách khác, cải cách phải nhằm vào thực chất, thông qua những hành động cụ thể để mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh có thể cảm nhận và thụ hưởng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.