Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện chất lượng sống tại khu dân cư cũ

Bảo Hân| 08/08/2022 06:29

(HNM) - Quá trình đô thị hóa không chỉ được nhận diện bởi sự phát triển nhanh chóng của chung cư hiện đại, đem đến không gian sống mới cho một bộ phận cư dân thành thị mà còn tác động, ảnh hưởng lên những khu vực dân cư cũ, đặc biệt tại các quận nội thành, nơi đang xuống cấp về cơ sở hạ tầng. Cải thiện chất lượng sống tại khu dân cư cũ là bài toán đặt ra ngay từ khâu quy hoạch và quản lý theo quy hoạch.

Mô hình nhà ở tái lập được nghiên cứu trên địa bàn phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) hứa hẹn sẽ mang đến không gian sống chất lượng hơn cho người dân địa phương.

Còn nhiều bất cập

Có mật độ dân số cao nhất Thủ đô, quận Đống Đa đang là khu vực còn tồn tại nhiều khu dân cư cũ, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, đời sống cư dân bị ảnh hưởng. Một số phường trên địa bàn quận, như Khâm Thiên, Văn Miếu, Văn Chương… có lịch sử lâu đời, chính là những khu vực có lối kiến trúc tự phát, lộn xộn. Việc các hộ cơi nới diện tích ngày càng tăng dẫn đến giảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước, thiếu ánh sáng, mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy cũng như dễ ách tắc giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, hiện trạng trên cũng xảy ra ở 14 khu tập thể lớn với 461 nhà, đơn nguyên trên địa bàn. Đa phần, các nhà tập thể cũ trên địa bàn quận được xây dựng từ những năm 1960-1980 của thế kỷ trước và đến nay cơ bản đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp.

“Sau mấy chục năm, nhà tập thể đã có nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng, ngoài bám trụ nơi đây thì chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác vì khả năng kinh tế có hạn. Chỉ mong các khu tập thể cũ sớm được cải tạo khang trang, an toàn hơn”, bà Nguyễn Thị Lễ (54 tuổi, cư dân một khu tập thể cũ phường Văn Chương) chia sẻ.

Không ở tập thể cũ nhưng cuộc sống của anh Nguyễn Trọng Hưng (48 tuổi, ngõ Cống Trắng, phường Khâm Thiên) cũng chật vật không kém vì căn phòng chỉ rộng hơn 20m2 là nơi 4 người trong gia đình anh ở đã hơn 10 năm nay. Dù khéo léo thu xếp đến mấy thì sự lộn xộn, bí bách là khó tránh khỏi. Khu vực ngõ xung quanh cũng chật hẹp, không cây xanh, thiếu ánh sáng, càng làm cho điều kiện sống giảm sút.

Trên địa bàn liền kề, quận Ba Đình, cũng đang dần mai một nét không gian xưa. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phân tích, quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng chia cắt các ô đất để xây dựng nhà ở, không gian bị bê tông hóa. Các khu đất trống bị lấn chiếm, san lấp, vườn cây bị phá bỏ… “Tại khu vực “thập tam trại” (tên gọi chung chỉ quần thể các làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa), cấu trúc làng xóm nhường chỗ cho những công trình nhà ống hình thành tự phát, diện tích nhỏ, có chiều rộng 3-4m và chiều sâu 7-15m, xây dựng san sát dọc theo các con ngõ nhỏ 1,5-2,5m. Hạ tầng kỹ thuật không theo kịp với phát triển dân số. Cây xanh, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Tạ Nam Chiến nêu.

Cần các giải pháp tháo gỡ                 

Để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, quận Ba Đình đã đề xuất lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực các phường Ngọc Hà, Đội Cấn, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Vị, Ngọc Khánh, Giảng Võ… thuộc “thập tam trại” xưa với mong muốn xây dựng bộ công cụ quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan; quản lý chặt về chiều cao, quy mô công trình nhà ở 3-4 tầng và khống chế mật độ xây dựng thấp dưới 60%...

Theo ông Tạ Nam Chiến, quá trình cấp giấy phép xây dựng, các cơ quan chuyên môn khuyến khích người dân tự lùi công trình vào để tạo không gian thoáng phía trước nhà; không cho phép chuyển đổi đất cây xanh, mặt nước, đất làm nghề... để xây dựng công trình. Đồng thời, các công trình sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe được ưu tiên bố trí.

Việc nghiên cứu các mô hình nhà ở hướng đến mục tiêu tái thiết không gian sống trong các khu dân cư cũ hiện cũng thu hút nhiều đơn vị kiến trúc. Tháng 7 vừa qua, dự án nghiên cứu “Mô hình nhà ở tái lập” được công bố trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình tìm sáng kiến cho tương lai không gian sống Việt Nam (ALP 2021-2022). Mô hình nhà ở tái lập được nghiên cứu trên địa bàn phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), mang đến không gian sống chất lượng hơn, giúp người dân có không gian tương tác, giao lưu văn hóa, đồng thời vẫn gắn với sinh kế bền vững. Ngoài ra, mô hình có khả năng biến đổi linh hoạt để đáp ứng sự phát triển cho những căn hộ thông minh.

Theo Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Long, Trưởng khoa Vật liệu xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, đây là đề tài có tính thực tiễn đối với các khu dân cư phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Mô hình nhà ở tái lập có thể đem lại môi trường sống tiện nghi, giúp bộ mặt đô thị khang trang, thuận tiện trong quản lý.

Cũng theo các chuyên gia, cùng với những dự án nghiên cứu trên, vấn đề quan trọng hơn cả là phải phủ kín quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị và quản lý chặt chẽ theo quy hoạch. Trong đó, ngoài việc tính toán đến sự phát triển cũng cần bảo tồn giá trị kiến trúc và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đây chính là mục tiêu mà các cấp, ngành thành phố đang hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện chất lượng sống tại khu dân cư cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.