(HNM) - Không những xuống cấp, mất an toàn giao thông nghiêm trọng, cầu Đuống (Hà Nội) còn là “điểm nghẽn” trên tuyến hành lang giao thông đường thủy nội địa huyết mạch Hải Phòng - Phả Lại - Việt Trì do tĩnh không quá thấp, cản trở tàu thuyền qua lại.
Cầu Đuống đã xuống cấp và chiều cao tĩnh không quá thấp. |
Tình trạng xuống cấp, mất an toàn giao thông của cầu Đuống đã diễn ra từ lâu, song vẫn chưa được xử lý triệt để. Mới đây, vào cuối tháng 11-2017, cầu Đuống đã xuất hiện bốn vết nứt trên vỏ mố cầu, mỗi vết dài khoảng 7m, hở rộng 8-15cm. Ngoài ra, tại khu vực cầu Đuống đã xuất hiện một vết nứt chạy dọc theo đê Bắc sông Đuống khoảng 40m.
Không chỉ xuống cấp, theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuyến sông Đuống dài 68km chảy từ ngã ba Mỹ Lộc đến Cửa Dâu thuộc tuyến hành lang Hải Phòng - Phả Lại - Việt Trì, trong đó tại khu vực Km59+00 sông Đuống có công trình cầu đường bộ và đường sắt vượt sông (cầu Đuống), do ảnh hưởng của dòng chảy xiên, lưu tốc dòng chảy lớn tại khoang thông thuyền về mùa lũ bão đã trở thành “điểm đen” trên hệ thống đường thủy nội địa. Hơn nữa, đây là một trong những cầu yếu ở khu vực phía Bắc và có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy khi khẩu độ khoang thông thuyền chỉ 40m, chiều cao tĩnh không (ứng với tần suất mực nước 5%) là 2,5m trong khi theo Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải kích thước khoang thông thuyền của cầu Đuống phải lên tới 9,5m nên gây cản trở rất lớn cho các phương tiện vận tải thủy.
Ông Nguyễn Văn Luận, thuyền trưởng tàu 1.200 tấn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại An Khang (Phú Thọ) phản ánh, cầu Đuống có hai mố cầu rất hẹp, các phương tiện đi ngược đi xuôi đều phải nhường cho phương tiện đi xuôi, theo đà nước chảy. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thủy thường xuyên xảy ra tại khu vực cầu Đuống. Thậm chí, để tránh “tắc đường” ở cầu Đuống trong mùa lũ, hàng ngàn tàu thuyền trên tuyến giao thông thủy từ Quảng Ninh về Việt Trì phải đi vòng, xa hơn gần 100km. Cụ thể, tàu thuyền thay vì đi qua sông Cấm, sông Kinh Thầy về sông Đuống, qua sông Hồng lên Việt Trì sẽ phải chạy theo tuyến qua sông Luộc về Hưng Yên, rồi chạy ngược sông Hồng qua Hà Nội tới Việt Trì...
Theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đa số cầu có tĩnh không thấp là cầu cũ, đặc biệt là hệ thống cầu đường sắt, trong đó có cầu Đuống. Có những cầu cũng đã được sửa chữa, nâng cấp, nhưng chủ yếu phục vụ giao thông đường bộ, đường sắt, mà không đáp ứng được yêu cầu đường thủy. Đây là “nút thắt” cần có lộ trình giải quyết để phát triển vận tải thủy và đồng bộ hóa vận chuyển đa phương thức. Trước tình hình đó, Cục đã đề xuất có lộ trình dỡ bỏ, hoặc nâng cấp các cầu có khoang thông thuyền không bảo đảm cấp kỹ thuật. Cùng với đó, khi xây dựng cầu mới, hoặc cải tạo cầu cũ phải tính đến quy hoạch phát triển vận tải thủy; điều chỉnh trong quy hoạch với việc nâng hoặc hạ cấp sông để phù hợp với thực tế hệ thống cầu…
Xuống cấp, mất an toàn và cản trở hoạt động vận tải, nhưng tại sao không sớm sửa chữa, cải tạo? Về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, năm 2008 Bộ đã quyết định thực hiện nâng tĩnh không cầu Đuống, nhưng sau đó lại thống nhất chủ trương không đầu tư do Dự án xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1), giai đoạn 2 có hạng mục đầu tư xây dựng cầu đường sắt tại vị trí cầu Đuống hiện tại (đáp ứng mọi yêu cầu về tĩnh không thông thuyền), bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi mới chỉ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, nên công trình cải tạo, xây dựng cầu Đuống vẫn chưa xác định thời gian triển khai các công việc tiếp theo.
Theo Ban Quản lý đường sắt, việc nâng tĩnh không cầu Đuống bảo đảm tĩnh không thông thuyền nếu vẫn thực hiện trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 sẽ chưa thể xác định thời gian triển khai. Do đó, tại cuộc họp mới đây giữa Ban Quản lý đường sắt và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban nhận thấy việc nâng cấp cầu Đuống là rất cấp thiết và đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép được tách thành một dự án độc lập và bố trí nguồn vốn để lập dự án đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.