(HNM) - Đến nay số chung cư cũ xây dựng lại rất ít, chủ yếu là công trình nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, buộc di dời khẩn cấp.
Nhà C1 tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, thuộc diện công trình nguy hiểm, toàn bộ tầng 1 bị lún sâu, không thể sử dụng. Trận lụt lịch sử tháng 11-2008, UBND TP Hà Nội đã tổ chức di dời khẩn cấp 110 hộ dân sống tại nhà C1 để bảo đảm an toàn. Ông Đoàn Đức Hiện, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố chung cư C1 Thành Công (hồi năm 2008) kể, lúc đó dự kiến khoảng 2 năm có thể tái định cư, nhưng đến nay còn khoảng 2 tháng nữa là tròn 7 năm, người dân vẫn phải sống tạm cư. Hiện, 7 cụ cao tuổi đã "về cõi vĩnh hằng" mà chưa được về nhà C1 mới.
Hầu hết chung cư cũ đều cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Ảnh: Phan Anh |
Theo ông Phạm Văn Hô, Bí thư Chi bộ nhà C1, nhà tạm cư N06 Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), sau gần 7 năm sử dụng, đã xuống cấp. Trong khi, lương hưu của người già, trường lớp của trẻ nhỏ vẫn ở phường Thành Công. Đến nay đã có 76/110 hộ nhận phương án hỗ trợ, tái định cư của UBND quận Ba Đình, rất mong chính quyền đôn đốc chủ đầu tư sớm đẩy nhanh dự án xây dựng lại nhà C1 Thành Công.
Tuy nhiên, đại diện cho chủ đầu tư, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cienco I Trần Đức Thắng cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận hộ dân chưa đồng tình, ngăn cản thi công. Chủ đầu tư đã có báo cáo gửi chính quyền đề nghị bảo vệ thi công. Ông Thắng cam kết, tiến độ hoàn thành sau 24 tháng kể từ khi có mặt bằng. Về Dự án nhà C1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thi công, sớm hoàn thành, bàn giao nhà cho các hộ dân.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo dự án nhà B6 Giảng Võ, theo đó giao Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện. Chủ động cùng Công ty CP Mefrimex giải quyết tồn tại giữa hai bên, không làm ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ dự án. UBND thành phố giao trách nhiệm cho Tổng công ty 36 tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án, bàn giao nhà cho các hộ dân chậm nhất vào tháng 12-2017. Các hộ dân đã tạm cư 6 năm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mới có tỷ lệ thấp trong số 1.688 công trình CCC trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xây dựng lại. Phần lớn các dự án cải tạo CCC dừng ở nghiên cứu xã hội học, lập quy hoạch hoặc kiểm định chất lượng. Nguyên nhân là hầu hết CCC nằm trong khu vực "lõi" đô thị hạn chế phát triển, nên vừa phải giảm mật độ dân số, vừa bảo đảm cân đối tài chính, cải thiện chỗ ở cho người dân trong khu vực là không khả thi. Trong quá trình sử dụng, hầu hết CCC có tình trạng cơi nới tăng diện tích sử dụng; lấn chiếm đất công xây dựng công trình. Số hộ sinh sống tăng gấp nhiều lần thiết kế nên việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư rất phức tạp. Về pháp lý có sự đan xen sở hữu giữa Nhà nước, cá nhân; phần lớn căn hộ đã cấp "sổ đỏ" nhưng không có thời hạn nên chính sách di dời khó khăn.
Bộ Xây dựng cho biết, giải pháp chính để gỡ khó cho cải tạo CCC là bố trí ngân sách lập quy hoạch khu nhà ở mới phục vụ di chuyển các hộ dân và xây dựng lại trong khu vực nội thành trong trường hợp doanh nghiệp không tham gia do không thể cân đối tài chính. Cùng với đó, khuyến khích chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư thỏa thuận thực hiện dự án thông qua hợp tác kinh doanh, chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất. Thực hiện ưu đãi mua nhà ở xã hội trong trường hợp không tái định cư tại chỗ, áp dụng hệ số diện tích cao hơn trong trường hợp tái định cư ngoài 4 quận nội thành.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị nghiên cứu địa điểm có thể xây dựng các khu nhà ở mới để di chuyển các hộ gia đình sinh sống tại các khu nhà cũ hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn ở trung tâm đô thị. Một số quy định sẽ được đề xuất, chẳng hạn CCC hư hỏng, không bảo đảm an toàn, nếu không phù hợp quy hoạch thì phải bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền phá dỡ xây dựng lại công trình khác. Trường hợp xây dựng lại còn bao gồm cả CCC có điều kiện hạ tầng, môi trường sống không bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.