(HNM) - Cuối tuần qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã cho ra mắt vở diễn mới
Vở diễn kể về câu chuyện tình của một cô đào hát ở kỹ viện nhưng hết sức sâu đậm và đầy tính nhân văn. Nhân vật chính là cô đào Ngọc Trâm, xinh đẹp, hát hay nổi tiếng đất Kinh sư. Tuy được nhiều người tìm tới, nhưng Ngọc Trâm quyết giữ sự trong trắng của mình, chỉ làm "đào hát, chứ không làm đào rượu". Văn Bình là chàng công tử con nhà gia giáo, được cha mẹ cho theo học ở kinh thành, nhưng ngày đêm sa vào những thú vui tầm thường. Trong một lần "ném tiền qua cửa sổ" ở kỹ viện, Văn Bình đã gặp và cứu Ngọc Trâm khỏi vướng vết nhơ thường thấy ở kỹ viện, rồi đem lòng yêu cô. Cảm kích trước tấm lòng trắc ẩn, chính trực của chàng công tử, Ngọc Trâm đã bán cả bảo vật gia truyền cho kẻ thù giết hại gia đình cô để lấy tiền cứu Văn Bình khi chàng mắc vòng lao lý. Theo lời khuyên nhủ của Ngọc Trâm, Văn Bình học hành đỗ đạt, vinh hiển. Sau khi đòi được sự công bằng cho gia đình, Ngọc Trâm được cha mẹ Văn Bình đón nhận, nhưng cô quyết từ chối tình yêu, vì không muốn người mình yêu phải lấy một người đã từng ở kỹ viện.
Cảnh trong vở cải lương “Tình kỹ nữ”. |
Lấy bối cảnh xã hội phong kiến với nhiều định kiến, tác giả Bùi Vũ Minh đã lồng ghép câu chuyện tình với câu chuyện cuộc sống, sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Và "Tình kỹ nữ" trên sân khấu cải lương hết sức sống động, ngọt ngào với những ca từ mùi mẫn, nức nở đặc trưng từ những giọng ca vững nghề. Đây là vở đầu tiên NSƯT Thanh Vân, Phó Giám đốc Nhà hát làm đạo diễn. Có lẽ, kinh nghiệm dạn dày trên sân khấu cùng với sự thấu hiểu tâm tư của người phụ nữ đã giúp chị tạo được dấu ấn. Chị cho biết, mình đã chia câu chuyện nhiều tình tiết thành sáu phân cảnh ngắn gọn, dễ hiểu. Để thể hiện chi tiết Ngọc Trâm kể lại cho Văn Bình nghe về gia thế của cô mười năm trước, đạo diễn đã khéo léo dựng "cảnh trong cảnh", đưa đồng thời hai lớp diễn viên diễn cùng thời điểm trên sân khấu.
Không chỉ có lời ca, những điệu cổ nhạc, "Tình kỹ nữ" còn có những màn múa đẹp mắt và nhiều tạo hình ấn tượng. Hình ảnh Ngọc Trâm xuất hiện từ trên cao xuống, giống một nàng tiên giáng trần, làm người xem dễ liên tưởng về một trang tuyệt sắc giai nhân. Chi tiết kỹ viện bị đốt được hình tượng hóa bằng màn múa của các cô gái với những tấm lụa có hình cánh bướm đỏ rực bay lượn. Sân khấu của vở diễn không quá rườm rà, một cánh bướm, một cây đàn cũng đủ gợi hình ảnh kỹ viện với các cô gái "buôn phấn bán hương". Những dải lụa nhiều màu bay nhẹ trong gió đã làm nên bức tranh đẹp đẽ của quan gấm ven sông - nơi Ngọc Trâm dệt ra những vuông lụa, hay một chiếc bàn với bút nghiên đã cho thấy nền nếp gia phong trong phủ quan Tổng trấn nhà Văn Bình…
Diễn viên trẻ Hồng Nhung đã phải khổ công để vào vai Ngọc Trâm, vai diễn xuất hiện trong hầu hết mọi tình tiết vở diễn. Trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố, cô thể hiện thành công tâm trạng lúc nhân ái, lúc hận thù, lúc quyết đoán, khi băn khoăn, day dứt lựa chọn tình riêng hay hy sinh… Trong khi đó, vai diễn phản diện của lái buôn Mỗ Thượng (Quang Tuấn đóng) lại nhận được nhiều tràng pháo tay nhất sau mỗi lần thể hiện giọng ca.
Kể một câu chuyện tình buồn, nhưng không bi lụy, "Tình kỹ nữ" là vở diễn không chỉ ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam xưa nay mà còn mang tới khán giả những phút giây cảm động, không khí của những đêm diễn rong của các gánh cải lương thịnh hành một thuở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.