Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái khó ở đất nghề Vân Từ

Ánh Dương| 29/04/2018 07:08

(HNM) - Là vùng đất nghề, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Song những bất cập về đường, điện... lại đang là rào cản.

Một cơ sở dệt may ở xã Vân Từ.


Vân Từ là xã nghề truyền thống với 80-95% hộ trong các thôn làm nghề may; ngoài ra, một số hộ làm nghề da giày nên đây là vùng đất rất có lợi thế trong phát triển kinh tế. Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, tổng thu toàn xã đạt gần 250 tỷ đồng, trong đó thu từ ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xấp xỉ 137 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 38,2 triệu đồng/người/năm… Bên cạnh đó, các hội, tổ chức, đoàn thể cũng tích cực hỗ trợ thành viên trong việc phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điển hình như: Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện giúp 256 hội viên vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng NN&PTNT với tổng dư nợ hằng năm hơn 5,4 tỷ đồng; Hội Nông dân hỗ trợ 284 lượt hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố với tổng dư nợ 7,88 tỷ đồng...

Xác định giữ vững và phát huy các tiêu chí nông thôn mới, trong những năm qua, xã Vân Từ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước xây dựng nông thôn mới. Do đó, các tiêu chí đã được nhân dân hưởng ứng như thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, không hút thuốc lá, không tổ chức làm cỗ mời khách trong đám tang; 93% hộ đăng ký đạt gia đình văn hóa…

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề giao thông nông thôn đang ảnh hưởng đến giao thương, phát triển kinh tế nơi đây. Đi trên những tuyến đường trục xã, đường trục các thôn Trung, Trãi, Thượng, Cựu… mới thấy, mặc dù đều đã được bê tông hóa, nhưng mặt đường chỉ rộng từ 2 đến 4m nên hoạt động vận tải, chuyên chở hàng hóa của người dân thường xuyên gặp khó.

Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng thôn Trung cho biết, năm 2017, thôn được đầu tư dự án xây dựng tuyến giao thông dài 400m, rộng 8,5m, tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng do nhân dân trong thôn và những người đi làm ăn xa quê hương đóng góp. Tuy nhiên, những con đường như thế không nhiều, mà phần lớn vẫn là những tuyến đường chật hẹp. Nếu khắc phục hạn chế này, nhiều gia đình sẽ có thêm cơ hội phát huy tiềm lực, mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất…

Cùng chung tình cảnh như ở thôn Trung, 90% đường làng, ngõ xóm ở thôn Trãi cũng được bê tông hóa, nhưng tuyến giao thông nội đồng lại chưa được đầu tư. “Cả thôn có 130 mẫu ruộng. Để giúp bà con đi lại thuận tiện, chúng tôi đã thuê đơn vị thi công rải đá cấp phối tuyến giao thông nội đồng. Cứ 2-3 năm lại phải làm đường, với số tiền hơn 300 triệu đồng/một lần làm. Nhưng phải đến thời vụ thu hoạch nông sản, thôn mới vận động được nhân dân đóng góp tiền để trả đơn vị thi công” - Ông Nguyễn Văn Ghi, Trưởng thôn Trãi chia sẻ khó khăn...

Không chỉ đường giao thông, mà vấn đề điện yếu cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và là áp lực không nhỏ khiến nhiều gia đình có xưởng sản xuất lớn chưa dám đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Trưởng thôn Cựu Nguyễn Quang Huy tâm sự: "Nếu địa phương có thêm trạm tăng áp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, thì những hộ có xưởng may công nghiệp, xưởng da giày... sẽ có điều kiện đầu tư hạ tầng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập…".

Những khó khăn này không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, chính quyền và nhân dân xã Vân Từ sẽ tiếp tục chung sức để giữ vững danh hiệu văn hóa cho 8 làng, 3 đơn vị và 1 cơ quan; đồng thời, tập trung xây dựng 1 thôn - làng văn hóa mới, xây dựng xã nông thôn mới đạt chuẩn về văn hóa ngay trong năm nay...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái khó ở đất nghề Vân Từ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.