Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái gốc là nhu cầu của khách hàng

Việt Nga| 07/07/2011 07:28

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình


Chọn dịch vụ nào để kinh doanh?


Người dân tới tham khảo sách báo tại điểm Bưu điện văn hóa xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm).Ảnh: Trung Kiên



Sau 13 năm hoạt động, hệ thống điểm BĐVHX đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân, nhất là ở vùng xa, vùng sâu, được hưởng các dịch vụ bưu chính, viễn thông (BCVT) và công nghệ thông tin, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có việc chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của xã hội và điều này là nguyên nhân khiến nhiều điểm BĐVHX hoạt động khó khăn. Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này, thời gian qua Bộ TT-TT đã thành lập tổ công tác nhằm tìm hướng giải quyết những bất cập của các điểm BĐVHX, đồng thời định hướng đổi mới về tổ chức, hoạt động. Bên cạnh việc đưa ra quan điểm sẽ dừng hoạt động với các điểm BĐVHX không hiệu quả, tổ công tác đề xuất xây dựng mô hình trung tâm thông tin (TTTT) cộng đồng. Theo đề xuất, TTTT cộng đồng phải đáp ứng được các tiêu chí gần khu dân cư, có lượng người đến truy nhập dịch vụ internet trong thời gian qua cao… Bước đầu, Bộ sẽ thí điểm 9 mô hình trung tâm tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Trà Vinh và đề xuất chọn các dịch vụ kinh doanh tại những điểm này là dịch vụ BCVT đang được cung cấp; dịch vụ truyền thanh và truyền hình công cộng; dịch vụ tra cứu thông tin thư viện cộng đồng; dịch vụ khuyến nông, tra cứu thông tin khuyến nông; dịch vụ hướng dẫn truy cập internet và tra cứu thông tin… Một số ý kiến khác cho rằng, nếu đưa TTTT cộng đồng vào hoạt động, nên thu gọn hơn các dịch vụ dự kiến triển khai. Vì, theo quan điểm của Bộ TT-TT, việc thí điểm mô hình mới chỉ là một hướng để xem xét đến khả năng tích hợp các nguồn đầu tư trong việc phát triển các dịch vụ thông tin, truyền thông khác tại điểm BĐVHX. Do vậy, trong số hơn 8.000 điểm BĐVHX hiện nay, Bộ chỉ chọn thí điểm mô hình hoạt động mới với số lượng nhất định.

Vẫn cần điều tra

Về việc Bộ TT-TT đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình TTTT cộng đồng, một số chuyên gia cho rằng đây là việc làm cần thiết, song vấn đề lựa chọn kinh doanh các dịch vụ gì, ngoài BCVT cơ bản, vẫn còn nhiều ý kiến. Sở dĩ như vậy là do với tốc độ phát triển "chóng mặt" của dịch vụ di động trong thời gian qua, nhiều người dân sống ở nông thôn, miền núi đều có khả năng sử dụng dịch vụ này. Cụ thể, các nhà mạng đã hợp tác với nhà sản xuất đưa ra giá thiết bị chỉ khoảng 300.000 đồng/máy điện thoại, thêm vào đó giá cước cũng ngày càng bình dân, cộng với các chương trình khuyến mãi thẻ sim kiểu mua 1 tặng 3… Và khi di động được phổ cập sẽ gây khó khăn cho hoạt động cũng như việc kinh doanh của các dịch vụ truyền thống như điện thọai cố định và gửi thư tay. Thậm chí, dịch vụ internet ADSL cũng bị ảnh hưởng từ băng rộng di động khi người tiêu dùng chỉ cần một thiết bị USB 3G là có thể "ôm" laptop truy cập internet mọi lúc, mọi nơi. Mặt khác, trong thời gian qua, thực hiện chính sách kích cầu, cả VNPT, Viettel, EVN Telecom lần lượt có các chương trình tặng máy cố định không dây cho người dân khu vực nông thôn… Tất nhiên, không phải tất cả người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, xa, hẻo lánh đều được sử dụng các dịch vụ BCVT, đều được nhận máy đầu cuối…; song những dẫn chứng kể trên có thể cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc tới nhu cầu của người sử dụng, tránh tình trạng cứ đầu tư mà hoạt động không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đang hợp tác với nhiều đối tác về ngân hàng, bảo hiểm để triển khai dịch vụ qua hệ thống bưu cục và như vậy cũng nên triển khai tại các mô hình trung tâm này. Nhưng, để thực hiện thì nhân viên làm việc tại các trung tâm này phải có trình độ nghiệp vụ nhất định. Ý kiến khác lại cho rằng, các TTTT cộng đồng hoạt động mang tính phục vụ, nhưng vẫn phải bảo đảm doanh thu, vì vậy nên cho phép kinh doanh trò chơi trực tuyến, tất nhiên phải lựa chọn các game có nội dung lành mạnh, hoạt động tuân thủ nghiêm về giờ đóng - mở cửa theo quy định… Được biết, ý kiến này đã bị Bộ TT-TT bác bỏ vì lo ngại việc đưa loại hình này vào kinh doanh sẽ gây ra hậu quả không tốt cho người dân địa phương nếu như quản lý các trung tâm này không tốt… Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia cho rằng, các ý kiến vẫn chỉ mang ý nghĩa chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước, cách tốt nhất là nên điều tra nghiêm túc, lấy ý kiến của người dân khu vực định lựa chọn thí điểm mô hình TTTT cộng đồng, trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có thể xây dựng hình thức kinh doanh, phục vụ phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái gốc là nhu cầu của khách hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.