(HNM) - Hôm nay, 24-9, tại Bích Câu đạo quán (14 Cát Linh, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập CLB Ca trù Hà Nội - CLB Ca trù đầu tiên của Việt Nam.
Đào nương Bạch Vân và Nghệ nhân Vũ Văn Hồng biểu diễn tại CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngay những ngày đầu thành lập, CLB Ca trù Hà Nội đã gặp rất nhiều thử thách và đào nương Bạch Vân đã gần như "đơn thương độc mã" trong gìn giữ, phát huy loại hình di sản độc đáo này. Năm 1990, khi đang công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), chuyên theo dõi về văn hóa dân gian, xót xa trước nghệ thuật dân tộc độc đáo là ca trù bị mai một, thất truyền, chị Bạch Vân thuyết phục một số nghệ nhân có tâm huyết thành lập tổ ca trù tự nguyện. Chị đã mất không ít công sức thuyết phục nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Nguyễn Thị Phúc, Phó Đình Kỳ, Phó Thị Kim Đức… vốn đã "mai danh ẩn tích" quay lại truyền nghề. Thật không dễ bởi đã mấy chục năm dư luận đã coi loại hình nghệ thuật này là không lành mạnh, ám ảnh trong mỗi nghệ nhân, thế nên dù có tài năng, tâm huyết, giữ trong mình nhiều lối hát quý nhưng không ai muốn "đứng mũi chịu sào" tổ ca trù tự nguyện. Trong thời điểm khó khăn đó, vẫn là Bạch Vân đứng lên thành lập CLB Ca trù Hà Nội, chính thức ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1991, mở cửa chào đón tất cả các đối tượng khán giả đến thưởng thức, sinh hoạt.
Hoạt động tự nguyện, không có địa điểm, kinh phí và phải di chuyển rất nhiều nơi, nhưng cương quyết với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù, đưa nghệ thuật vào cộng đồng nên CLB không bán vé, khách thưởng sao lấy vậy. Năm 1993, CLB Ca trù Hà Nội chuyển về sinh hoạt định kỳ hằng tháng tại di tích Bích Câu đạo quán và duy trì hoạt động cho đến nay. Cách duy trì hoạt động cũng theo kiểu "tùy cơ ứng biến", vô cùng linh hoạt. Khi thì chị đón các nghệ nhân đàn hát cao niên từ ngoại thành như cụ Phạm Thị Mùi, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Thị Sính, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Văn Si, Ngô Trọng Bình, Nguyễn Thị Tuyết... về biểu diễn, có lúc thì tự mình đảm đương cả đêm diễn. Có chương trình đơn giản để giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật ca trù với khán giả và du khách quốc tế, có chương trình chuyên để tổ chức tưởng niệm nghệ sĩ có công đóng góp cho ca trù, nhiều chương trình khác lại được soạn theo các chủ đề. Khi thì CLB biểu diễn ở Bích Câu đạo quán, lúc lại sinh hoạt tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội), hay ở 25 Tông Đản, đình Kim Ngân, 34 Hoàng Cầu… NSƯT Bạch Vân cũng tổ chức để CLB đi biểu diễn, tham gia các hội diễn, lễ hội ở nhiều nơi, phục vụ các đoàn khách quốc tế muốn tìm hiểu về ca trù. Song song với những chương trình biểu diễn, chị Bạch Vân còn thuyết phục các nghệ nhân mở lớp đào tạo ngắn ngày cho những người yêu thích, đón nghệ sĩ tài hoa về chăm sóc và truyền dạy ca trù cho lớp trẻ. CLB Ca trù Hà Nội cũng đã tổ chức thành công hội thảo mang tính chất học thuật đầu tiên về nghệ thuật này mang tên "Ca trù Thăng Long - Hà Nội" (năm 1999), một năm sau tổ chức "Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất", có sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố. Cũng đã không biết bao nhiêu ngày tháng, chị Bạch Vân tự mình bắt xe khách, đến nhiều thôn, xã, quận, huyện của 18 tỉnh, thành phố miền Bắc để tìm hiểu về các nghệ nhân, giáo phường và di tích thờ cúng tổ nghề, vừa để sưu tầm, vừa để thuyết phục nhiều nghệ nhân trở lại với nghề…
Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, hy sinh, nhưng NNDG, NSƯT Bạch Vân không cảm thấy tiếc nuối mà cho biết sẽ nỗ lực hơn bởi cái duyên, cái nghiệp và đam mê ca trù luôn bỏng cháy trong tim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.