Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái đích của xã hội văn minh

Đức Trung| 27/01/2010 07:49

(HNM) - Ngày 27-1-2010, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nước ta chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến mức cao nhất là 30 triệu đồng.


Bạo lực hủy hoại cuộc sống

Bác sĩ tư vấn cho cặp vợ chồng về bạo lực giới tại Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ Gia Lâm. Ảnh: Linh Tâm


BLG không chỉ phá hủy cuộc sống của người phụ nữ mà còn phá hủy cả gia đình họ và toàn xã hội. Qua nghiên cứu của Viện Xã hội học, 15% phụ nữ Việt Nam điền trong mẫu báo cáo rằng đã từng bị bạo lực về thể chất, 80% bị bạo lực tinh thần, 20% bị bạo lực tình dục, trên 40% bị chồng đánh đập hoặc chửi mắng. Còn kết quả thống kê từ hàng nghìn khách hàng tư vấn tại các trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ thuộc dự án "Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo hành giới" do Sở Y tế Hà Nội thực hiện gần 10 năm qua, có khoảng từ 55 đến 95% phụ nữ bị hành hạ thể xác nhưng chưa bao giờ cầu viện tới một cơ quan chính thức hay người có thẩm quyền… Và những người phụ nữ - nạn nhân của bạo hành ở tuổi 20-29 chiếm gần 50%.

Hậu quả của BLG đã được khẳng định là rất nặng nề. Với phụ nữ từ 15 - 44 tuổi, bạo lực là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong và khuyết tật. Tính riêng tại Trung tâm Tư vấn sức khỏe đặt tại Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), đã có 30% nạn nhân của BLG bị chấn thương đầu cổ, 10% chấn thương xương sườn, còn lại là đa chấn thương. Về mặt tinh thần, 100% nạn nhân bị tổn thương. Đáng lo ngại hơn, những đứa trẻ sống trong các gia đình có bạo lực thường cam chịu, lì lợm, thậm chí trầm cảm, học hành kém và hầu như không được ai giải thích, phân tích cặn kẽ cho chúng biết hành động bạo lực là xấu.

Cần có mô hình hỗ trợ tư vấn

Tại các nước phát triển, để giúp nạn nhân bị BLG, người ta tổ chức ra những trung tâm trợ giúp nạn nhân. Theo đó, nạn nhân được lo ăn, ở, đồng thời được tư vấn, trợ giúp về pháp lý để giải quyết tình trạng hiện tại.

Ở Việt Nam, vấn đề BLG mới chỉ được đề cập trong vài năm gần đây và các hoạt động phòng, chống cũng mới ở mức độ đơn lẻ, thiếu đồng bộ. Trước khi dự án do Sở Y tế Hà Nội được thực hiện, nước ta chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ y tế mà ở đó cán bộ y tế được đào tạo để phát hiện, đánh giá và giúp đỡ các nạn nhân, đặc biệt là về mặt tâm lý. Ngành y tế không có đủ bác sĩ tâm lý để chữa trị đến nơi đến chốn cho các nạn nhân bị bạo hành này. Với mục tiêu phát triển một mạng lưới hỗ trợ, tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ dựa vào bệnh viện để giúp đỡ những phụ nữ bị bạo hành, dự án đã tổ chức tập huấn về chủ đề BLG và kỹ năng làm việc với nạn nhân cho các cán bộ y tế tuyến quận, huyện. Qua tập huấn, cán bộ y tế đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống bạo lực thông qua việc sàng lọc, đánh giá, ghi chép và giúp đỡ nạn nhân: 74,7% cán bộ y tế đã từng động viên tinh thần cho nạn nhân.

Không chỉ ngành y tế, hiện nay, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu phối hợp, can thiệp kịp thời cho những trường hợp bị bạo hành. Mặc dù vậy, công tác phòng, chống cũng như giúp đỡ các nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết nạn nhân cam chịu, không yêu cầu giúp đỡ, việc xử lý đối tượng bạo hành chưa nghiêm, mức phạt nhẹ... Hy vọng từ các mô hình trung tâm tư vấn, những nạn nhân của BLG sẽ dũng cảm lên tiếng khi bị bạo hành để được giúp đỡ chính đáng và nghị định xử phạt ra đời sẽ đủ sức răn đe những kẻ thích bạo lực.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, trong số hơn 7.000 vụ ly hôn, nguyên nhân do phụ nữ bị hành hạ đánh đập chiếm gần 1/3. Do bị chồng ngược đãi phụ bạc, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn trong các vụ ly hôn chiếm từ 70- 80%. Đã có một số phụ nữ bị sỉ nhục và lăng mạ thậm tệ đến mức tìm đến cái chết. Kết quả khảo sát tại 5 quận, huyện nội thành Hà Nội của ngành y tế cho thấy, có tới 60,2% số người được hỏi khẳng định có tình trạng bạo lực xảy ra trong gia đình và 75,9% cho biết đã từng chứng kiến cảnh phụ nữ hoặc trẻ em bị đánh đập hay bị nhục mạ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái đích của xã hội văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.