Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cài đặt mã lệnh nhắn tin để chiếm đoạt tiền: Trách nhiệm nhà mạng ở đâu?

Việt Nga| 06/11/2015 07:05

(HNM) - Công ty TNHH Đầu tư Vinamob đã móc nối với DN nước ngoài để cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin vào điện thoại và khi kích hoạt sẽ tự động nhắn tin thu tiền.

Ảnh minh họa từ internet


Khách hàng không biết bị “móc túi”

Công ty TNHH Đầu tư Vinamob đã cung cấp dịch vụ thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên máy điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc. Vinamob cũng hợp tác với 3 DN có trụ sở tại Trung Quốc để cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, khi khách hàng kích hoạt sẽ tự động gửi tin nhắn. Đối tác đầu tiên của Vinamob là Công ty Global Wireless Consulting (ký hợp đồng hợp tác từ tháng 3-2011) cung cấp đến khách hàng gồm các đoạn chữ không có dấu và không có ý nghĩa hoặc đường link dẫn đến một trang web. Thực tế, máy điện thoại của khách hàng đã bị cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng ở mục "Giải trí" gồm các dịch vụ trắc nghiệm, tỷ giá - giá vàng, tin thể thao... có thu phí từ 5.000 đồng/tin nhắn. Tuy nhiên, khi khách hàng chọn dịch vụ, trên giao diện phần mềm không có thông tin về giá tiền, ứng dụng tự động gửi tin nhắn đến đầu số 8x61 để yêu cầu dịch vụ và từ đó tài khoản điện thoại của khách hàng bị trừ tiền. Theo Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội, từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, số lượng các tin nhắn bị tính cước trong các dịch vụ do đối tác GWC của Vinamob cung cấp là 504.000 tin nhắn, chiếm giữ khoảng 1,15 tỷ đồng từ các thuê bao di động. Dịch vụ này được xác định là "móc túi" khách hàng sử dụng máy Nokia K60.

Với đối tác Bei Jing Chang Yuan Hong Da Technology (HK Canal), dịch vụ của Vinamob cung cấp tin nhắn để tải file nhạc. Khách hàng sử dụng điện thoại Nokia 2700 C-2 và Zes Z10 đã bị cài đặt sẵn để tự động gửi tin nhắn đến đầu số 8x61. Do đó khi máy hoạt động các tin nhắn đã tự động gửi đến và tin trả về không hiển thị trên máy, không lưu tại hộp tin nhắn đến. Hệ thống kỹ thuật của Vinamob vẫn ghi nhận các tin nhắn này để hệ thống tính cước của các nhà mạng trừ tiền của khách hàng. Từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, Vinamob và đối tác này đã "thu" được khoảng 65.000 tin nhắn với tổng số tiền 895 triệu đồng mà các thuê bao di động không biết. Với đối tác Phone Me Technology (Shiny Mobi), số tin nhắn được xác định là 104.000 tin nhắn và chủ thuê bao di động trong nước phải trả số tiền hơn 625 triệu đồng mà không biết.

Bên cạnh việc "lừa đảo" khách hàng dùng di động, Vinamob còn cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi chưa có phép. Tại thời điểm bị thanh tra, Vinamob chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử loại G2. Vinamob đang cung cấp trò "Tây du truyện" và quảng cáo trò "Đấu trường Saga"; cả hai trò chơi này Vinamob đều có sở hữu bản quyền từ nước ngoài nhưng ở thời điểm thanh tra chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1. Cả hai trò chơi này đều chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung kịch bản. Vinamob kinh doanh trò chơi "Tây du truyện" từ tháng 7-2014, đã đạt tổng doanh thu hơn 156 triệu đồng, nhưng chưa được cấp phép ở thời điểm thanh tra.

Phải có biện pháp khắc phục

Như vậy, với các vi phạm trên, Thanh tra Sở TT-TT cho rằng Vinamob đã không kiểm tra, rà soát chặt chẽ các nội dung hợp tác với đối tác, dẫn đến vi phạm thu cước dịch vụ đối với các tin nhắn không được cung cấp dịch vụ; cung cấp không đầy đủ thông tin về giá, giá cước trước khi cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Số tiền cơ quan thanh tra xác định có sai phạm là hơn 2 tỷ đồng (thu lợi từ hành vi thu cước dịch vụ với tin nhắn không được cung cấp dịch vụ), vì vậy Vinamob buộc phải hoàn trả cho người sử dụng. Đồng thời, với các vi phạm này, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Vinamob 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ qua đầu số 8x61 trong 2 tháng.

Qua vụ việc này, có thể thấy việc cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, trừ tiền trong tài khoản của một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài với thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người dùng rất tinh vi. Cụ thể, các đối tượng này đã ẩn toàn bộ thông tin mà người dùng có thể nhận biết được, để máy điện thoại tự kích hoạt gửi tin nhắn đến đầu số và ung dung móc tiền của khách hàng.

Trước thực tế này, Sở TT-TT Hà Nội có công văn đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ di động cần khẩn trương rà soát các dịch vụ cung cấp qua các đầu số, đặc biệt quan tâm các dịch vụ tích hợp mã lệnh nhắn tin trên các ứng dụng và khóa các mã lệnh này khi phát hiện nội dung không phù hợp với kịch bản hoặc khi nhận được thông tin khiếu nại. Vì, thực tế các nhà mạng là người duyệt kịch bản và nội dung các dịch vụ trước khi ký kết hợp đồng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Do đó, nhà mạng phải là đơn vị thường xuyên có trách nhiệm kiểm tra nội dung kịch bản và tự xử lý chứ không phải để đến có vụ việc xảy ra, hoặc khi thanh tra mới "biết" các sai phạm này. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, khách hàng dùng di động sẽ là những người tiếp tục thiệt hại mà không biết, còn các đối tượng kinh doanh sẽ thu lợi bất chính.

Việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động đang được DN sở hữu đầu số (là các DN viễn thông và nhà mạng) hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ nội dung (cả DN trong và ngoài nước) thực hiện. Trong đó, các DN sở hữu đầu số (là nhà mạng) chỉ giữ vai trò như một kênh thanh toán dịch vụ cho đối tác lại là người cung cấp đầu số. Vì vậy, Bộ TT-TT cần sớm quy định rõ quyền, nghĩa vụ của từng đối tượng tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng dùng di động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cài đặt mã lệnh nhắn tin để chiếm đoạt tiền: Trách nhiệm nhà mạng ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.