(HNM) - Thực tế đã bộc lộ những bất cập, đòi hỏi phải có cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Mức lương cơ bản liên tục tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Ảnh: Viết Thành |
Bài 1: Khoảng cách tiền lương và mức sống
Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thống nhất quan điểm “Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước". Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, song trên thực tế, tiền lương và mức sống còn những khoảng cách nhất định.
Khi lương chưa đủ sống
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến ngày 31-12-2017, cả nước có gần 23,5 triệu lao động làm công hưởng lương (không tính người hưởng lương hưu), chiếm hơn 43% tổng số lao động đang có việc làm. Thu nhập bình quân từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,41 triệu đồng/ người/tháng, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm 10 năm trước. Thu nhập tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.
Tuy vậy, theo đánh giá của ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): “Thu nhập của lao động bình quân hưởng lương tăng nhẹ theo từng năm, nhưng chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế”. Khoản 1, Điều 91, Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhưng theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) những năm gần đây cho thấy, lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 90% mức sống tối thiểu của người lao động. Thu nhập của đa số người lao động chỉ đủ trang trải cho nhu cầu vật chất tối thiểu, chưa có điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tái tạo sức lao động.
Trong căn phòng trọ chỉ khoảng 10m2 với một vài đồ dùng thiết yếu tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), anh Đỗ Văn Thiết (29 tuổi) kể: Anh là nhân viên kỹ thuật của một công ty sản xuất đồ gốm, sứ, phải làm việc ít nhất 10 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng mới được hơn 7 triệu đồng/tháng. Còn vợ anh là công nhân lắp ráp linh kiện tại một doanh nghiệp điện tử, lương cũng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. “Mức lương này chỉ đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu của bản thân. Để lo cho gia đình, tương lai, đa số công nhân phải chi tiêu tằn tiện. Ăn uống không đủ chất, làm việc với cường độ cao, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi...” - anh Thiết chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tiền lương chưa tạo đà tăng năng suất lao động và ngược lại. “Năng suất lao động không cao, tất yếu thu nhập của người lao động thấp. Điều đó khiến người lao động không có động lực, mục tiêu để phấn đấu, cống hiến. Vòng luẩn quẩn này cần được tháo gỡ” - ông Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) lý giải.
Ngoài ra, chính sách tiền lương trong khu vực công hiện nay được đánh giá là khá phức tạp, thiết kế bảng lương chưa phù hợp với chức vụ và việc làm. Ở khu vực doanh nghiệp, chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động; vi phạm quy định về tiền lương còn nhiều,…
Cải cách khoa học, khách quan
Tiền lương cần tương xứng với công sức và bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Nhật Nam |
Thực hiện Kết luận 63-KL/TƯ ngày 27-5-2013 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, Đề án cải cách chính sách tiền lương được nghiên cứu xây dựng.
Để có căn cứ thực tế, khoa học, khách quan cho việc xây dựng đề án, từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi với người có công đã khảo sát chính sách tiền lương ở nhiều bộ, ngành, đơn vị.
Theo ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tốc độ tăng lương cơ sở không theo kịp đà tăng trưởng của thị trường lao động và giá cả. Tiền lương tăng thêm chưa đủ bù chi tốc độ trượt giá. Chế độ nâng lương chưa phát huy, khuyến khích người có năng lực, trình độ làm việc hết khả năng để có thu nhập cao hơn. Từ thực tế đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cải cách chính sách tiền lương theo hướng: Tiền lương phải bảo đảm giá trị thực, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và có sự tích lũy; trả lương theo vị trí việc làm, gắn với chất lượng, năng suất lao động…
Theo Bộ Tài chính, những năm qua, nước ta có hơn 10 lần tăng mức lương cơ sở, bổ sung phụ cấp, mở rộng đối tượng trợ cấp từ ngân sách, đã làm tăng quỹ tiền lương. Để khắc phục, Bộ Tài chính kiến nghị Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi với người có công những kế hoạch, giải pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương những năm tiếp theo. Đó là, tiết kiệm chi thường xuyên, sớm hoàn thành xác định vị trí việc làm, đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy,..
Tiền lương là chính sách đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Chính sách này vừa là cơ sở để bảo đảm cuộc sống cho người dân, vừa là nền tảng thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp ưu đãi người có công... Nhưng sau thời gian thực hiện Kết luận 20-KL/TƯ, chính sách tiền lương chưa đạt mục tiêu: Bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình và hình thành các cơ chế tiền lương (hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp) ngày càng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
Chính sách tiền lương bộc lộ những bất cập, hạn chế dẫn đến chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cũng chưa hoàn thiện...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.