Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách thể chế kinh tế phù hợp với “luật chơi” chung

Hồng Sơn - Ngọc Quỳnh| 05/02/2016 06:44

(HNM) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết tại New Zealand. Đây là vận hội rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với một số nhà quản lý, chuyên gia, đại diện DN về vấn đề này.


Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Doanh nghiệp phải được đối xử bình đẳng

Hội nhập kinh tế quốc tế, mà TPP là một ví dụ, luôn gắn với sự cải cách thể chế kinh tế sao cho phù hợp với luật chơi chung. Tuy nhiên, do Việt Nam là quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn hầu hết các nước thành viên TPP nên vấn đề này càng phải xử lý triệt để. Đặc biệt, TPP quy định rõ về yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các DN; bên cạnh đó là các vấn đề minh bạch, bảo vệ môi trường, lao động, xuất xứ nguồn nguyên liệu… Đây là thực tế mà Chính phủ cần chủ động nhận diện và giải quyết càng sớm càng tốt. Bởi, nếu không thỏa mãn các yêu cầu như vậy thì DN nói riêng và nền kinh tế nói chung không được hưởng lợi từ TPP…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Chủ động hợp tác đa chiều, đa diện

Theo tôi, DN cần tập trung nâng cao năng lực điều hành, quản trị kinh doanh kết hợp tìm hiểu, nắm bắt các quy định có liên quan để duy trì hoạt động một cách suôn sẻ. Trong đó, lãnh đạo các đơn vị nên thu thập thông tin một cách đầy đủ, chính xác về tình hình thị trường, nhu cầu, khả năng tiêu thụ hàng hóa ở 11 nước thành viên cũng như các phân khúc thị trường cụ thể.

Tiếp theo, các hiệp hội ngành hàng, từng DN cần chủ động hợp tác, theo hướng đa chiều, đa diện, đa phương thức, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chủ động kết nối với cơ quan quản lý để tư vấn chính sách, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ. Đồng thời, các đơn vị cũng phải tìm kiếm những đối tác quốc tế, trong đó ưu tiên những tên tuổi lớn để trao đổi, tìm kiếm cơ hội trở thành bạn hàng cũng như sự chia sẻ, tiếp nhận kinh nghiệm quản lý và nhất là công nghệ hiện đại. Các hiệp hội DN cũng phải hoạt động thực chất, có chất lượng, để đáp ứng yêu cầu hội nhập nói chung và với TPP nói riêng; làm tròn trách nhiệm là cầu nối giữa cơ quan chức năng và DN; cung cấp thông tin, tư vấn giải pháp cho thành viên.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân:
Ngành Chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất

Các nước tham gia Hiệp định TPP đều có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, vì vậy Việt Nam có thể du nhập công nghệ và giống của các nước này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ hội làm thay đổi tư duy và hệ thống quản lý của người chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, TPP sẽ tạo ra thách thức lớn cho ngành Chăn nuôi, vì dễ phát sinh tranh chấp thương mại trong khi khả năng giải quyết của DN Việt Nam còn thấp. Để ngành Chăn nuôi có thể đứng vững trong hội nhập trước tiên chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy DN làm trung tâm, sau DN là các hợp tác xã, cuối cùng là các hộ chăn nuôi có điều kiện về vốn và đất đai. Để làm được việc này và nâng cao khả năng cạnh tranh, phải hướng sản xuất chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đại Thắng (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Châu):
Cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch

Khi TPP được thực thi, sản phẩm chăn nuôi của các nước vào thị trường Việt Nam sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng cùng loại sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm đang nhức nhối cho cả xã hội, nếu các DN chăn nuôi có hình thức kinh doanh mới chuyên cung cấp các sản phẩm thịt sạch, khẳng định uy tín bằng chất lượng và có sự giúp đỡ của Nhà nước với vai trò là cầu nối liên kết các DN sản xuất và kinh doanh lại với nhau theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ vẫn có thể đứng vững. Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn sử dụng các sản phẩm đặc sản như: Gà thả vườn, lợn rừng... nên dù bị cạnh tranh khốc liệt nhưng nếu các DN làm ăn bài bản vẫn sẽ tạo được chỗ đứng trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách thể chế kinh tế phù hợp với “luật chơi” chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.