(HNM) - Những tranh luận trong hơn một tháng qua giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan xung quanh vấn đề cải cách pháp lý vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 8-11, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đưa ra kết luận Vacsava đã từ chối cho 2 thẩm phán nước này quyền được tiến hành một quy trình đề cử công bằng. ECHR cũng thúc giục Vacsava đưa ra hành động nhanh chóng để giải quyết tình trạng thiếu độc lập trong Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Động thái của ECHR là phản ứng mới nhất nhằm vào kế hoạch cải cách pháp lý gây tranh luận tại Ba Lan. Theo báo DW (Đức), ECHR đã yêu cầu Vacsava phải bồi thường cho 2 thẩm phán Monika Dolinska-Ficek và Artur Ozimek, mỗi người 15.000 euro, đồng thời buộc Ba Lan phải khắc phục nhanh chóng những bất cập liên quan tới hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia - cơ quan chịu trách nhiệm đề cử thẩm phán. Phán quyết của ECHR nhiều khả năng sẽ khiến căng thẳng giữa EU và Ba Lan tiếp tục gia tăng.
Cách đây ít ngày, Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) tuyên bố phạt Ba Lan 1 triệu euro mỗi ngày vì đã vi phạm luật khi duy trì Phòng Kỷ luật tại Tòa án Tối cao. Đây được coi là đơn vị không phù hợp với luật của EU, đồng thời không bảo đảm về độc lập và công bằng. Mức phạt có hiệu lực từ ngày 27-10 và áp dụng cho đến khi Ba Lan giải tán Phòng Kỷ luật.
Trên thực tế, cuộc tranh luận bắt nguồn từ nỗ lực thay đổi các thể chế nhà nước của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) Ba Lan sau khi lên nắm quyền vào năm 2015. Tuy nhiên, EU cho rằng, những cải cách mà PiS thực hiện đã vi phạm nguyên tắc tư pháp độc lập và công bằng, một nghĩa vụ quan trọng đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào. Thay vì nhượng bộ trước áp lực của Brussels, Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết rằng, một số phần của các hiệp ước, theo đó Ba Lan trở thành thành viên EU, không thể được coi là quan trọng hơn Hiến pháp nước này. Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng cho biết họ không chỉ có quyền xem xét tính hợp hiến của luật pháp EU, mà còn bao gồm các phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu, cơ quan pháp lý cao nhất của EU.
Phản ứng trước động thái của Ba Lan, các quan chức EU cho rằng, Vacsava đang thách thức nền tảng pháp lý và “đụng chạm” tới giá trị cốt lõi của liên minh này. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova, các quy định phải được tuân thủ như nhau trong toàn khối. Nếu các thành viên không tôn trọng nguyên tắc chung thì liên minh sẽ sụp đổ. Do vậy, EC sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng thẩm quyền của mình để bảo vệ tính tối thượng của luật pháp EU. Còn đại biểu Nghị viện châu Âu Jeroen Lenaers khẳng định, với tuyên bố trên, Hiến pháp Ba Lan đã đặt quốc gia này vào lộ trình rời khỏi EU.
Các nhà bình luận cho rằng, trong vấn đề với Ba Lan, EU có đầy đủ các công cụ để duy trì pháp quyền. Mới đây, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra điều kiện, Ba Lan cần hủy bỏ cuộc cải cách tư pháp trong nước nếu muốn được EU giải ngân 57 tỷ euro hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cụ thể, Vacsava phải có cam kết rõ ràng về việc giải tán Phòng Kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao, ngừng hoặc xem xét lại kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp và bắt đầu quá trình khôi phục chức danh cho các thẩm phán từng bị ép thôi việc trong thời gian qua.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở tình trạng mong manh do đại dịch Covid-19, việc trì hoãn tiếp cận với khoản hỗ trợ của EU có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Ba Lan. “Kịch bản” này sẽ tác động không nhỏ tới uy tín của đảng cầm quyền Ba Lan khi các cuộc trưng cầu dân ý gần đây đều cho thấy, đa số cử tri đều ủng hộ các giá trị của EU và tư cách thành viên của nước này trong "ngôi nhà chung".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.