Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách nhỏ, hiệu quả lớn

Bài, ảnh: Đình Hiệp| 24/12/2011 07:44

(HNM) - Sau nửa năm triển khai chấm điểm thái độ phục vụ của cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa bằng hệ thống màn hình điện tử tự động, từ đầu tháng 12-2011, UBND quận 1 tiếp tục thí điểm việc "đặt chỗ" giải quyết TTHC bằng cách nhắn tin qua điện thoại. Cải cách nhỏ này đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân.

Đặt chỗ từ xa qua tin nhắn

Nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi cho người dân khi đến đăng ký giải quyết TTHC, từ ngày 1-12, UBND quận 1 chính thức triển khai việc nhắn tin lấy số thứ tự để đăng ký "đặt chỗ". Thay vì đến trụ sở ủy ban quận đăng ký trực tiếp lấy số thứ tự tại máy xếp hàng tự động, người dân cũng như các doanh nghiệp có thể nhắn tin gửi đến tổng đài 8083. Các lĩnh vực cần giải quyết được ghi cụ thể gồm: mã lĩnh vực 1 (đô thị - TNMT), 2 (kinh tế - y tế), 3 (lao động), 4 (hộ tịch), 5 (sao lục hồ sơ hành chính - trả hồ sơ TNMT). Ngay sau khi tin nhắn được gửi đến tổng đài, chương trình sẽ tự động cập nhật rồi gửi lại tin nhắn cho người dân, nội dung bao gồm: số thứ tự khi đăng ký, số thứ tự hồ sơ hiện đang giải quyết và thời gian dự kiến đến trụ sở UBND quận 1 để giải quyết hồ sơ TTHC.

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND quận 1.

Nói về ý nghĩa của việc áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin (UBND quận 1) cho biết: "Mỗi ngày có tới 500 lượt người dân đến trụ sở UBND quận để làm thủ tục ở các lĩnh vực nhà đất - đô thị, kinh tế, lao động, trích lục hộ tịch… Trung bình mỗi người dân phải chờ 30 phút, nếu nhân với tổng số lượt người đến đây sẽ ra số thời gian bị lãng phí. Vì vậy, việc đặt chỗ từ xa sẽ giảm thời gian chờ đợi".

Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, sự tiện lợi của việc nhắn tin là người dân biết được thời gian dự kiến đến làm thủ tục và sau khi có kết quả tổng đài sẽ thông báo ngay để người dân đến lấy, không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi cả ngày. Tuy nhiên do mới triển khai nên người dân chưa biết đến nhiều, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 đến 15 tin nhắn giải quyết TTHC và chủ yếu là các doanh nghiệp. Khó khăn nữa là một số mạng viễn thông chưa kết nối với tổng đài, như Vietnamobile chẳng hạn, hoặc đôi khi xảy ra tình trạng nghẽn mạng khiến người dân không thể nhắn tin được.

Xây dựng chính quyền đô thị gần dân

Sáng kiến đặt màn hình điện tử "chấm điểm" cán bộ giải quyết TTHC của quận 1 đang nhận được sự ủng hộ lớn của người dân. Dù mới triển khai nửa năm nay nhưng xem ra sáng kiến này khá "ăn khách". Nếu như trước kia bộ phận tiếp dân chỉ nhận được chưa tới 30 thư góp ý/tháng thì nay cách chấm điểm hiện đại này đã thu hút người dân hơn nhiều, với 380 góp ý/tuần. Sau nửa năm triển khai máy chấm điểm, đã có hơn 15.800 ý kiến đóng góp về thái độ của cán bộ, công chức, 33.400 ý kiến về quy trình giải quyết TTHC.

Hệ thống đánh giá này đã tạo sự chuyển biến tích cực. Thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức trở nên mềm mỏng, tận tụy hơn. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1 cho hay: "Quan trọng hơn cả là ngày càng có nhiều người dân quan tâm chấm điểm, như một thước đo để lãnh đạo đánh giá cán bộ, thông qua đó phát huy mặt tốt cũng như chỉnh sửa những gì còn hạn chế. Bởi lẽ, máy tính không thiên vị ai". Được biết, sắp tới quận 1 sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi hệ thống trên tại bộ phận tiếp dân của 10 phường, công an, thanh tra xây dựng…

TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước với dân số trên 10 triệu người. Hiện TP có hơn 100.000 DN và hơn 300.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và DN, lãnh đạo TP luôn coi công tác cải cách TTHC là mục tiêu, giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chương trình cải cách TTHC gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị là một trong 6 chương trình đột phá của TP được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015. Đến nay trên địa bàn TP đã có 4 sở, ngành (Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 12 quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cải cách TTHC gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011-2015.

Rõ ràng khi nói đến cải cách TTHC không chỉ nói đến việc đơn giản hóa thủ tục, thời gian mà còn là thái độ của người cán bộ - điều mà người dân vẫn hay phàn nàn. Câu chuyện về cải cách TTHC tại quận 1 cho thấy, chỉ khi nào lãnh đạo địa phương đặt mình vào vị trí người dân để biết dân cần gì, muốn gì thì khi đó sẽ có những thay đổi vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách nhỏ, hiệu quả lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.