Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hành chính vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá (*)

HNM| 10/06/2015 05:35

Dưới đây là trích phát biểu của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại Hội nghị tổng kết Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội, ngày 9-6.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu kết luận hội nghị.


Là một trong chín chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XV, thực hiện một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chương trình số 08-CTr/TU đã kế thừa, phát huy tốt kết quả của các nhiệm kỳ trước trong công tác cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước, được cải thiện qua các năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện đáng kể, năm 2014 tăng 25 bậc so với năm 2012.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, với sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Thường vụ Thành ủy ngay từ đầu nhiệm kỳ và càng trở nên quyết liệt hơn trong "Năm kỷ cương hành chính - 2013", đến nay, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung trọng tâm. Đặc biệt là đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) từ việc nâng cao chất lượng phục vụ đến việc đơn giản hóa, công khai các TTHC; nhiều đơn vị đạt tỷ lệ cao trong giải quyết TTHC đúng hẹn; qua đó, đã góp phần tích cực vào việc giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân và các doanh nghiệp...

Hệ thống thể chế được xây dựng, hoàn thiện, đổi mới, bám sát hơn yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thống nhất, nền nếp theo quy định chung. Nhiều văn bản ban hành các cơ chế, chính sách liên quan tới lợi ích trực tiếp của đông đảo người dân được chú trọng đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, tạo đồng thuận xã hội, đạt hiệu quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện, như quy định về việc đổi giờ học, giờ làm...

Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính trong hệ thống chính trị của thành phố được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn. Quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính địa phương từng bước được sửa đổi, bổ sung vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa có sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước với quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội được chú trọng thực hiện, tăng thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết cho chính quyền cấp huyện, cấp xã, nhất là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều, rừng, đường bộ, đường thủy nội địa, chiếu sáng công cộng, vệ sinh môi trường, cấp nước sạch, thoát nước, quản lý văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, y tế...

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thành phố đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức đào tạo; mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn, thành phố đã áp dụng nhiều hình thức tuyển dụng để vừa lựa chọn được những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, vừa ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi tuyển. Từ năm 2013, thành phố thực hiện thi tuyển công chức bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính đối với 3/5 môn thi (Ngoại ngữ, tin học, chuyên ngành). Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tiêu chí chất lượng công chức trong chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2013. Đây vừa là sự động viên, khích lệ; đồng thời, cũng là trách nhiệm mà mỗi cán bộ, công chức Thủ đô phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực thi công vụ.

Nền hành chính Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố được chú trọng đầu tư, tạo nền tảng cơ bản cho tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng "Một thành phố thông minh", là điều kiện để Thủ đô cùng cả nước sẵn sàng tham gia hội nhập ngày càng sâu trong xu thế toàn cầu hóa. Theo kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam năm 2014, tăng 1 bậc so với năm 2013...

Thực tế đó cho thấy, CCHC vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá thành phố cần tiếp tục xác định để tập trung thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh hơn nữa. Thời gian tới, cùng với việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ trong công tác CCHC, thành phố cần tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cải cách thể chế; đồng thời đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công; quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với cải cách chính sách tiền lương, nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng, hiệu quả. Trước mắt, từ nay đến Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, chúng ta cần tập trung cao độ để tiếp tục hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.

Phát huy những kết quả đạt được, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm rút ra, với quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thành phố, bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm với Thủ đô, tôi tin rằng nền hành chính Thủ đô sẽ ngày càng dân chủ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.