(HNM) - Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã có bước đột phá trong cấp thẻ căn cước công dân, cấp hộ chiếu qua mạng… được nhân dân đánh giá cao. Công việc này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hướng vào hiệu quả công việc thực chất hơn nữa trong năm 2020 và những năm tới.
Thuận tiện, dễ dàng hơn
Ngày 3-3, nhà trọ của anh Lâm Chí Cường (phường Bồ Đề, quận Long Biên) có thêm người thuê phòng. "Trước đây tôi thường phải lên Công an phường để làm thủ tục đăng ký tạm trú cho khách thuê. Còn hiện nay, tôi chỉ cần điền vào bản khai nhân khẩu, do cảnh sát khu vực gửi sẵn, rồi chụp ảnh gửi qua mạng internet cho cảnh sát khu vực nhập dữ liệu. Cách làm này hết sức đơn giản, thuận tiện", anh Cường đánh giá.
Tiên phong trong cải cách hành chính phục vụ nhân dân, Công an quận Long Biên đã đưa ra nhiều giải pháp mới trong quản lý hành chính, nổi bật là việc cảnh sát khu vực có thể tương tác với người dân thông qua các thiết bị di động thông minh. Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Trưởng Công an quận Long Biên, đơn vị đã yêu cầu lực lượng cảnh sát khu vực bám sát địa bàn phụ trách, ngoài thời gian hành chính còn làm việc từ 17h đến 21h hằng ngày để giải quyết các giấy tờ, thủ tục hành chính cho người dân.
Tương tự, Công an quận Ba Đình đã có nhiều sáng kiến như đến trường học, đến tận nhà làm thủ tục cấp căn cước công dân. Đại úy Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Ba Đình) thông tin, thay vì việc bố mẹ phải đưa con đến cơ quan công an làm thủ tục cấp căn cước, Công an quận Ba Đình đã đưa máy móc, thiết bị tới phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn làm thủ tục cấp căn cước công dân cho học sinh sinh năm 2004 và 2005, bảo đảm hoàn thành trước khi các em bước vào kỳ thi chuyển cấp.
Là đơn vị đầu tiên trong lực lượng Công an toàn quốc triển khai việc cấp hộ chiếu qua mạng internet từ năm 2014, đều đặn hằng ngày có khoảng 1.000 lượt người đến làm thủ tục cấp, đổi hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội). Việc làm thủ tục cấp hộ chiếu qua mạng internet theo 4 bước đã góp phần giảm bớt thời gian quy trình xét duyệt, qua đó đạt mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân nhanh, thuận tiện hơn.
Ông Dương Anh Hiến (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết, dù lượng người đến làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đông nhưng chưa đến 30 phút ông đã hoàn thành các thủ tục cấp hộ chiếu. “Người dân không phải xếp hàng để lấy tờ khai mà có thể ngồi ở bất cứ đâu, dùng thiết bị di động cá nhân để khai báo thông tin cấp hộ chiếu với những thao tác đơn giản, dễ thực hiện”, ông Hiến đánh giá.
Chia sẻ thêm, Đại úy Nguyễn Minh Hiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động cấp phát miễn phí hơn 3.000 khẩu trang cho người dân đến làm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 đối với các lĩnh vực quản lý cư trú, căn cước công dân, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự..., đã giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mà không cần đến tận nơi, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19 tại trụ sở các cơ quan hành chính.
Tiếp tục tạo đột phá thực chất
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ động triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố (SAMS). Tính đến cuối năm 2019, Công an các quận, huyện, thị xã đã thu thập, nhập liệu, xác nhận 6.925.725 phiếu thông tin dân cư; đồng thời triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 liên thông thủ tục hành chính trên địa bàn 12 quận, góp phần nâng cao hiệu quả công tác...
Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, cải cách hành chính là tiêu chí thi đua quan trọng được Công an thành phố đề ra. Trong năm 2020, đơn vị sẽ tập trung khắc phục những tồn tại trong thực hiện công tác đăng ký, quản lý tạm trú tạm vắng, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng… “Để làm được điều này, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã đặt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đưa vào hoạt động hệ thống “một cửa” điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 dùng chung của thành phố”, Đại tá Ngô Duy Thắng nói.
Trước hướng triển khai mới này, bà Chu Thị Luyến (phường Cự Khối, quận Long Biên) rất đồng tình và cho rằng, nếu không đưa nhanh công nghệ thông tin vào ứng dụng trong quản lý thì với việc sáp nhập nhiều tổ dân phố như hiện nay, công việc với lực lượng công an bám địa bàn dễ bị “quá tải”.
Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố đã tổ chức tiếp công dân theo định kỳ hằng tháng. Người đứng đầu Công an thành phố sẽ nêu gương trực tiếp nghe công dân trình bày những nội dung khiếu nại, phản ánh, tố giác, cung cấp thêm thông tin về những vấn đề vướng mắc, để giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Công an thành phố khẩn trương điều tra, xác minh xử lý, nhanh chóng hồi đáp công dân. “Xây dựng, phát triển các kênh tương tác trực tuyến với người dân là mục tiêu tiếp theo của Công an thành phố Hà Nội trong năm 2020”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.