Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hành chính mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô

Bình Yên - Thái Sơn| 10/04/2016 06:19

(HNM) - Theo công bố ngày 31-3 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Hà Nội xếp thứ 24, tăng 2 bậc so với năm 2014. Trước đó, Bộ Nội vụ cũng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội năm 2014 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố.



Đây là tín hiệu tốt, khởi động cho một giai đoạn mới - giai đoạn hành động quyết liệt thực hiện CCHC, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng - đại diện cơ quan tham mưu cho thành phố thực hiện kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 đã trao đổi với Báo Hànộimới về những nội dung xoay quanh công tác này.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng.

Đã rõ sự chuyển biến và hiệu quả

- CCHC được Đảng bộ thành phố xác định là khâu đột phá nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đánh giá khái quát, Hà Nội đã thu được kết quả như thế nào trong CCHC, thưa ông?

- Hà Nội là trung tâm lớn về mọi mặt của cả nước, do đó hằng ngày khối lượng công việc phải giải quyết là rất lớn, trong đó có những việc gấp nhiều lần các địa phương, chưa kể sự đa dạng của cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu quản lý đô thị... đòi hỏi cơ quan công quyền và mỗi cán bộ, công chức phải đáp ứng yêu cầu công việc ở tầm mức cao hơn. CCHC luôn được Đảng bộ thành phố xác định là một trong những khâu đột phá. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thành ủy đã ban hành Chương trình 08-CTr/TU về CCHC, đề ra nhiều giải pháp, tổ chức thực hiện với tinh thần sát sao, quyết liệt và tạo những chuyển biến căn bản. Thứ hạng chỉ số CCHC của Hà Nội cải thiện qua từng năm và nằm trong tốp đầu. Chỉ số PCI năm 2013 tăng 18 bậc so với 2012; năm 2014 tăng 7 bậc so với 2013 và năm 2015 tăng 2 bậc so với 2014, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.

Số lượng thủ tục hành chính được công bố công khai theo quy định gắn với giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng luật. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai nền nếp theo hướng minh bạch, bước đầu đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục liên quan đến nhu cầu dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chuẩn hóa về trình độ kèm với đó, tinh thần, thái độ phục vụ được nâng cao. Chúng ta cũng đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT (Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành về Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT). Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án “cơ quan điện tử”. Đặc biệt, những năm gần đây, Hà Nội đẩy mạnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho cơ sở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị…

- Song dường như kết quả đó là chưa đủ để khẳng định, người dân và doanh nghiệp đã thực sự hài lòng?

- Hiện vẫn còn những việc chúng ta chưa làm được. Công tác quản lý, điều hành ở một số lĩnh vực yếu kém, để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cải thiện từng năm, nhưng một số chỉ tiêu còn thấp. Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn, Thủ đô có vị thế, cơ chế đặc thù, với lợi thế về sức mạnh và nguồn lực nên cần có biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Cùng với đó, chất lượng đội ngũ cán bộ cũng chưa đồng đều, có nơi chưa làm tròn trách nhiệm, nhất là việc phát hiện sớm những vấn đề vướng mắc, đề xuất hướng xử lý. Lời kêu ca, phàn nàn về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa hẳn đã hết… Những hạn chế này được thành phố nhìn nhận nghiêm túc, chỉ rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chuyển từ nền hành chính “xin - cho” sang phục vụ

- Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (ngày 29-2-2016), Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Đẩy mạnh CCHC trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, nâng cao một bước về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bảo đảm hiệu quả công việc cao nhất”. Sau đó một ngày, thảo luận về Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính “xin - cho” sang nền hành chính phục vụ”. Ý chí người đứng đầu Thành ủy, UBND thành phố đã rõ. Vấn đề mấu chốt là cần hành động như thế nào trong 5 năm tới, thưa ông?

- Kế hoạch CCHC nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu tổng quát: Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại và phục vụ, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô. Sẽ có 4 nhiệm vụ chúng ta bắt tay thực hiện ngay đó là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy của thành phố phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản pháp luật mới ban hành; Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kiện toàn bộ máy hành chính bảo đảm đồng bộ, thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính minh bạch và giải trình của các cơ quan hành chính. Phải khẳng định, đây không phải là những nhiệm vụ mới đặt ra, nhưng biện pháp và cách thức thực hiện của chúng ta sẽ quyết liệt, mang tính hành động cao, đúng như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố.

- Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Lấy ví dụ về cải cách thể chế. Mục tiêu chúng ta đặt ra là đến năm 2020 hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp nhận. Để đạt mục tiêu này, việc quan trọng nhất tới đây sẽ làm là thống kê, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của TƯ và thành phố mới ban hành để xác định lại chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý theo hướng thu gọn đầu mối; đồng thời xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị theo tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc); xây dựng cơ chế điều hành linh hoạt, hiệu quả giữa thành phố với quận, huyện, thị xã trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phân cấp triệt để những việc cơ sở có thể làm tốt. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải sát sao nhằm loại bỏ tình trạng cát cứ, không thống nhất trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình, dự án lớn, trọng điểm của thành phố.

- Còn về cải cách thủ tục và bộ máy hành chính, thưa ông?

- Trên cơ sở rà soát lại toàn bộ quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên thông vốn là điểm yếu của nhiệm kỳ trước để từ đó kiện toàn, sắp xếp bộ máy của thành phố vừa tinh gọn, vừa giải quyết công việc nhanh chóng thuận lợi, giảm bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục hành chính. Ví dụ, thành phố đặt chỉ tiêu giảm 30% số lượng thủ tục hành chính (tập trung vào các nhóm đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật...), rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Muốn vậy, phải tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông liên quan đến các lĩnh vực tài chính, đầu tư, thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng..., nhất là các thủ tục hành chính ở xã, phường. Việc ứng dụng CNTT cần làm hiệu quả hơn để có nhiều thủ tục đạt mức độ 3, mức độ 4. Khi đó, người dân có thể thực hiện các thủ tục trên mạng và nhận kết quả tại nhà. Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên mức 90% (Trung ương đề ra là trên 80%). Quan trọng hơn là chuẩn bị các điều kiện để tích hợp tất cả dữ liệu về dân cư, quy hoạch, đất đai... tạo nền tảng để thực hiện chính phủ điện tử. Ngay trong năm 2016, Hà Nội sẽ triển khai và hoàn thành 33 nhiệm vụ, đề án, tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành CCHC.

Bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả

- Để chuyển từ nền hành chính “xin - cho” sang nền hành chính phục vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô phải có sự thay đổi về chất?

- Khi chúng ta chưa định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chức danh, tiêu chuẩn cho từng cán bộ, công chức trong từng cơ quan hành chính, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ, công chức sẽ là khá phổ biến. Hà Nội đã làm được một việc quan trọng, là địa phương đầu tiên xây dựng Đề án Xác định vị trí việc làm và đã được Bộ Nội vụ phê chuẩn; phấn đấu đến năm 2020, 100% cơ quan hành chính nhà nước của thành phố có cơ cấu công chức theo vị trí việc làm. Bước tiếp theo là hoàn thành đề án cơ cấu, vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và hoàn thiện cơ cấu, vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính. Cùng với đó, Hà Nội sẽ xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử nhằm đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Cùng với đó, chúng ta có phải xem xét chuẩn hóa quy trình làm việc để có thể rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân cụ thể?

- Đúng như vậy. Ví dụ thành phố sẽ sớm xây dựng Quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và áp dụng hệ thống biểu mẫu trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; Quy chế trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Cụ thể tới đây thành phố sẽ quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng cho Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an cấp phường và một lãnh đạo quản lý cấp quận. Nếu xảy ra vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn sẽ trực tiếp truy vấn trách nhiệm của 4 vị lãnh đạo này.

- Cách này rất hay, cụ thể, rõ người, rõ trách nhiệm, nhưng mới ở một lĩnh vực là quản lý trật tự xây dựng đô thị. Trong khi trên thực tế, việc đánh giá cán bộ, công chức ở không ít nơi vẫn còn hình thức, thưa ông?

- Về nguyên lý, đánh giá cán bộ phải bằng hiệu quả công việc, nhưng với cơ chế quản lý và việc thực thi công vụ hiện nay thì đây là bài toán. Nhiệm kỳ nào cũng đặt ra phải thay đổi tiêu chí đánh giá cán bộ, Chính phủ cũng đã có quy định tiêu chí cụ thể, nhưng việc xác định cán bộ này có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay công chức kia không hoàn thành nhiệm vụ một cách thực chất... thật khó, trừ trường hợp bị kỷ luật. Hầu như cán bộ, công chức các đơn vị, cơ quan hằng năm luôn đạt tỷ lệ lao động tiên tiến, hoàn thành nhiệm vụ rất cao, thường là trên 90%.

- Theo ông, làm gì để giải quyết tình trạng đó? Vấn đề này có liên quan gì tới Đề án Xác định vị trí việc làm Hà Nội đã xây dựng?

- Tôi cho rằng, để giải bài toán này cái gốc chính là xác định vị trí việc làm, từ công việc để lựa chọn con người phù hợp. Nhưng quan trọng hơn là phải xác định được sản phẩm của vị trí công việc cụ thể là gì. Hiện nay, chúng ta mới làm được bước 1 đó là mới xác định được những tiêu chí của vị trí việc làm như cán bộ phải tốt nghiệp chuyên ngành gì, có bao nhiêu năm kinh nghiệm…Cái đang thiếu chính là sản phẩm của từng vị trí việc làm. Trong Đề án Xác định vị trí việc làm, Hà Nội đã đề xuất phải xác định được sản phẩm của vị trí việc làm. Cùng với đó, quy trình thực hiện công việc cũng phải rất cụ thể. Ví dụ quy trình giải quyết sổ đỏ từ ban đầu đến kết thúc, ai làm khâu nào phải rõ. Đương nhiên, người làm trong quy trình phải giải quyết được công việc, đó chính là hiệu quả. Nếu không làm được thì phải thay cán bộ. Điều đó buộc cán bộ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Khi có tiêu chí đánh giá hết sức cụ thể mới xử lý được việc đánh giá con người, tránh được tình trạng nể nang, bao che cán bộ... Làm tốt vấn đề này cũng có nghĩa là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” theo trọng tâm, trọng điểm mà Hà Nội xác định là gắn với CCHC và cải cách chế độ công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, nhất là tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.