Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hành chính của Thủ đô: Dấu ấn tích cực trên nhiều lĩnh vực

Bảo Hân| 28/12/2020 11:53

(HNMO) - Cải cách hành chính tiếp tục được coi là một trong những điểm sáng của thành phố Hà Nội trong năm 2020 với những kết quả, dấu ấn tích cực sau một năm nỗ lực thực hiện.

 Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành

Chuyển biến hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trong nỗ lực cải cách thể chế, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, được xây dựng đảm bảo đúng quy trình, quy định. Năm 2020, thành phố đã ban hành 33 văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài chính; phí, lệ phí, công sản, chăn nuôi – nông nghiệp, công nghiệp, cán bộ công chức cấp xã, vệ sinh - môi trường. 

Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tính đến 30-11-2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 mà Hà Nội đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.685. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp được thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). 

Thực hiện thỏa thuận hợp tác với Bưu điện thành phố về sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, đã có 25 đơn vị đăng ký thực hiện dịch vụ bưu chính công ích. Theo nhận định, đánh giá, trước đại dịch Covid-19, việc thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong luân chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, tránh việc tụ tập đông người, đặc biệt là tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp hợp lý và thuận tiện cho người dân.  

Công tác đối thoại với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính và giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức đã được thành phố tập trung chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, sở, ngành quan tâm và định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần phải tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân. 

Tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 25.047 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện, tập trung chủ yếu về lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; ban hành 28 văn bản chỉ đạo giải quyết những thông tin báo chí phản ánh về các lĩnh vực: Kinh tế, giao thông, tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội và những vấn đề dân sinh bức xúc, nhiều vụ việc đã được xử lý dứt điểm, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người dân.  

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với giải quyết thủ tục hành chính do thành phố tổ chức khảo sát năm 2019 (công bố năm 2020): Khối sở đạt 89,57%; khối quận, huyện, thị xã đạt 95,75%. Năm 2020, đã có 9 đơn vị đăng ký sáng kiến cấp thành phố trong cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử được quán triệt, chỉ đạo, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua tổ chức thi tuyên truyền quy tắc ứng xử, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị.

Nhiều sáng kiến, giải pháp hay trong cải cách hành chính 

Điểm nhấn trong năm 2020 là thành phố đã chủ động tổ chức hội thảo “Cải cách hành chính qua các thời kỳ - Những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội” nhằm đánh giá, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đặc thù Thủ đô, ban hành các chủ trương, quyết sách, các mô hình thí điểm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của Hà Nội, đưa ra những kiến nghị, định hướng và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong thời gian tới; tổ chức hội nghị “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội" để giúp thành phố cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. 

Cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Quang

Ghi nhận về những giải pháp đột phá trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội, Trung ương đánh giá thành phố đã tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020.

Một số sáng kiến, giải pháp trong cải cách hành chính có thể kể đến như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức đã triển khai chính quyền điện tử của đơn vị, mạng xã hội (Zalo, Facebook) nhằm giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin các thủ tục hành chính được đơn vị cung cấp. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là tại chính quyền cấp xã. Một số thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, chính sách lao động, thương binh chưa xây dựng quy chế liên thông. Việc liên thông kết nối xử lý giao dịch hành chính trên phần mềm “một cửa” của thành phố với bộ, ngành trung ương còn chưa thường xuyên, liên tục... 

Trên cơ sở đó, năm 2021, thành phố xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); tập trung tổ chức triển khai Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021).

Thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí cho tổ chức, cá nhân; hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình phối hợp, quy trình liên thông giữa các cấp, các ngành trong giải quyết công việc và giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, đầu tư, lao động, thương binh và xã hội.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính; các đơn vị, sở ngành chú trọng kiểm tra công vụ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và thiếu trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính của Thủ đô: Dấu ấn tích cực trên nhiều lĩnh vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.