Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Linh hoạt, không gây sốc

Minh Ngọc| 30/11/2017 07:01

(HNM) - Ngày 29-11, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia trong nước, quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam sẽ được tiến hành một cách thận trọng, linh hoạt, không gây sốc cho Quỹ bảo hiểm xã hội cũng như việc thụ hưởng của người dân.


Không thể trì hoãn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng. Đến nay, cả nước đã có hơn 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm 30,4% lực lượng trong độ tuổi lao động; hơn 50% người cao tuổi được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người tham gia BHXH trên cả nước.

Tuy vậy, chính sách BHXH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Diện bao phủ BHXH còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; Quỹ hưu trí - tử tuất khó bảo đảm cân đối trong trung và dài hạn; chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ, chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau,…

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho biết, nước ta hiện còn gần 39 triệu người chưa tham gia BHXH, tương đương hơn 60% lực lượng trong độ tuổi lao động. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, dự báo đến năm 2050, số người tham gia BHXH ước đạt gần 27 triệu người, bằng 42% lực lượng trong độ tuổi lao động. Số người hưởng lương hưu từ Quỹ hưu trí - tử tuất sẽ tăng từ 2,25 triệu người năm 2017, lên 10,6 triệu người vào năm 2050, bằng 34,1% số người sau tuổi nghỉ hưu.

Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch giữa thời gian đóng, mức đóng BHXH so với thời gian hưởng và mức thụ hưởng ngày càng giãn rộng. “Tính trung bình, thời gian hưởng lương hưu của người lao động là 24,7 năm, trong khi mức đóng BHXH như hiện nay mới đủ chi trả lương hưu trong 8 năm. Phần thiếu hụt này đang là gánh nặng cho ngân sách, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh. Để chính sách BHXH đến gần hơn với người dân, không thể không tiến hành cải cách” - ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh.

Đồng tình với những nhận định nêu trên, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Nuno Cunha cảnh báo, đa số các quốc gia có từ 40 năm đến 60 năm để chuẩn bị cho thời kỳ dân số già, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 15 năm. Thời gian chuẩn bị cho thời kỳ dân số già quá ngắn, đòi hỏi Việt Nam phải có sự điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng, dứt khoát và phù hợp...

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế và tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước, quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp cải cách chính sách BHXH. Đó là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thay cho mô hình đơn tầng hiện nay; điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng; thiết kế mức đóng - hưởng phù hợp; mở rộng diện bao phủ BHXH; chính thức hóa lao động khu vực phi chính thức…

Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm cải cách chính sách BHXH lồng ghép với chính sách lao động, việc làm; ưu tiên cải cách bộ máy quản lý và tách bạch quyền lợi, nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia BHXH.

BHXH nên có hai tài khoản, một tài khoản dành cho người lao động; một tài khoản dành cho người sử dụng lao động. “Quyền lợi của người lao động đang phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động nợ đọng BHXH ở thời điểm nào, quyền lợi của người lao động cũng bị dừng lại ở thời điểm đó. Đó là điều hết sức phi lý, bởi trong trường hợp này, người lao động không có lỗi” - ông Lê Đình Quảng phân tích.

Còn ông Nguyễn Văn Định, giảng viên Khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, bộ máy BHXH nên mở rộng tới cấp thôn, xã bằng cách xây dựng hệ thống đại lý. Theo ông Nguyễn Văn Định, đa số người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hiểu hết tính ưu việt của BHXH, nên chưa chủ động tham gia. Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam Chang-Hee Lee khuyến nghị, Việt Nam nên mở rộng chính sách an sinh xã hội cho lao động khu vực phi chính thức.

“Thành công của Việt Nam trong việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho thấy nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của BHXH là hoàn toàn có thể thực hiện được” - ông Chang-Hee Lee tin tưởng.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi BHXH là một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Việc cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam sẽ được nghiên cứu điều chỉnh trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời học tập những mô hình, kinh nghiệm hay của các quốc gia trên thế giới. Quá trình cải cách BHXH luôn đi liền với cải cách quản lý nhà nước, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc cải cách chính sách BHXH là nhiệm vụ không thể trì hoãn, nhưng không vì thế mà thực hiện thiếu thận trọng. Ngược lại, quá trình cải cách BHXH sẽ tuân thủ những quy luật khách quan và được thực hiện bằng nhiều giải pháp, bảo đảm sự ổn định, bền vững, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Linh hoạt, không gây sốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.