Người dân Trùng Khánh đang lao đao trước sự cạnh tranh của hạt dẻ Trung Quốc.
Sau khi người Trung Quốc ở gần biên giới sang Trùng Khánh thu mua hạt dẻ loại 1 với giá rất cao, chỉ một thời gian sau, họ xuất ngược hạt dẻ vào Trùng Khánh và khoảng 10 năm gần đây, hạt dẻ Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Cao Bằng.
Trong khi đó, ở Trùng Khánh hạt dẻ được trồng theo kiểu "trồng rừng", rất ít có sự đầu tư chăm sóc bài bản, không có công nghệ bảo quản sản phẩm nên hạt nhỏ, chất lượng không đồng đều, chỉ để được 1 tuần là hỏng.
Hiện nay cả huyện Trùng Khánh chỉ có gần 250 ha cây dẻ, sản lượng 180 - 200 tấn/vụ/năm, quá ít để cung cấp cho thị trường. Cũng chính vì sản lượng quá ít, giá cao nên một số người dân huyện Trùng Khánh đã mua hạt dẻ Trung Quốc về trộn lẫn với hạt dẻ vườn để bán cho khách với giá cao.
Còn các thương lái thì chỉ cần mang hạt dẻ Trung Quốc đi khắp các tỉnh và gắn dòng chữ hạt dẻ Trùng Khánh là bán "đắt như tôm tươi".
Nhiều chủ vườn dẻ ở Trùng Khánh còn lừa khách du lịch bằng cách đem hạt dẻ Trung Quốc về vãi dưới gốc dẻ, quảng cáo hạt dẻ từ trên cây rơi xuống. Sự gian dối này đang làm mất giá trị của hạt dẻ Trùng Khánh và bị coi là hành động tự bán rẻ thương hiệu của chính mình.
Hạt dẻ Trùng Khánh cạnh tranh với hạt dẻ Trung Quốc |
Lý do hạt dẻ Trung Quốc lấn át là vì, từ năm 2001, khi tỉnh Cao Bằng phê duyệt Dự án trồng hạt dẻ ở 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang với tổng diện tích 2.500 ha, nhưng nhanh chóng thất bại thảm hại do cách làm thiếu khoa học, thiếu tính thực tế của các nhà lập dự án.
Mặt khác, các nhà quản lý cũng không tính đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ nên khi có sản phẩm, người dân không có chỗ tiêu thụ, phải bán giá thấp khiến cho nhiều hộ trồng dẻ phải dứt ruột tự tay phá đi vườn dẻ đã dày công chăm sóc của mình.
Và đến nay, dù giá hạt dẻ khá cao (khoảng 100.000 đồng/kg) nhưng người dân vẫn chưa yên tâm trồng dẻ, số hộ có đến 1 ha của cả huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều hộ có đất nhưng không muốn trồng mới vì giá bán hạt dẻ không ổn định, được mùa thì bị ép giá, mất giá. Mặt khác, dẻ là cây lâu năm, phải 8 - 10 năm mới cho quả, trên 15 năm mới cho năng suất, trong khi đó mức hỗ trợ 250.000 đồng/ha quá thấp, người dân không đủ trang trải cho cuộc sống nên chỉ muốn trồng cây ngắn ngày 2 vụ/năm để đảm bảo cuộc sống.
Cũng không chỉ có hạt dẻ Trùng Khánh rơi vào thực trạng cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc. Trước đó, người dân trồng nho Ninh Thuận cũng lao đao vì không thể cạnh tranh với nho Trung Quốc.
Trong khi, nho Ninh Thuận vụ mùa từ tháng 4 đến tháng 8 bị mất trắng vì thời tiết, quả nhỏ nên giá bán tại vườn chỉ 8000đ/kg, thì nho Trung Quốc cuống dày, trái mọng, to tròn, màu sắc đẹp giá lại hấp dẫn nên rất được lòng người tiêu dùng. Nhiều thương lái muốn bán được hàng đã gắn mác nho Ninh Thuận khiến sản phẩm nho gốc bị ép giá.
Ông Nguyễn Văn Mọi - chủ thương hiệu nho "Ba Mọi" cũng thừa nhận hàng Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Ngay cả tại Ninh Thuận, nơi được xem là thủ phủ của nho vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc.
Rồi hàng loạt nông sản Việt như khoai tây, dâu tây, hành tây, hồng, cà rốt Đà Lạt cũng lao đao bởi hàng nhái từ Trung Quốc.
Ngày 21/8, chợ nông sản Đà Lạt đang khá nhộn nhịp với hoạt động "nhuộm" khoai tây Trung Quốc cho giống khoai tây Đà Lạt để cung cấp ra thị trường.
Với giá nhập về chỉ từ 1.800 đến 3.520 đồng một kg, nhưng sau khi được “mặc áo’’ mới, khoai tây Trung Quốc ra chợ lập tức tăng lên 13.000-15.000 đồng một kg trước khi chất lên xe tải đưa về chợ đầu mối nông sản TP HCM hoặc đi các tỉnh.
Nguyên do đang là thời điểm trái vụ nên nguồn khoai tây của nhà vườn Đà Lạt cạn kiệt, thậm chí không có do liên tục bị mưa đá. Hiện tại, 99% khoai tây tại chợ được nhập về từ Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.