(HNM) - Hà Nội có những vùng dân cư mang tính đặc thù. Nơi thì có nhiều lao động di cư tự do, nơi tập trung làng nghề, nơi có nhiều đồng bào dân tộc ít người, người công giáo, công nhân khu chế xuất công nghiệp... Lực lượng này chiếm từ 20% đến 80% số dân ở một số địa phương nhưng vấn đề sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chưa được họ quan tâm đúng mức. Vì vậy, nhiều mô hình can thiệp nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ các dịch vụ KHHGĐ đã được triển khai, bước đầu tạo hiệu quả thiết thực.
Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ ở xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín. |
Ở những nơi "dân số phồng lên, xẹp xuống"...
Chị Phương (quê ở Nam Định) thường lọ mọ từ tờ mờ sáng đến đêm khuya với hành trang là chiếc xe đạp thồ hoa quả. Người mẹ này cả ngày đi quanh khu chợ Khương Đình, Thanh Xuân... để kiếm dăm chục, một trăm nghìn đồng gửi về quê nuôi 3 đứa con. Lịch trình ấy của chị diễn ra đã 7 năm nay. Sống nơi đất khách, xa nhà, xa chồng thường xuyên là thế mà khi được hỏi về việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chị Phương chỉ trả lời được rằng "thi thoảng có xem trên tivi, nghe loa phường thông báo nhưng cũng không để ý lắm".
Không cứ chị Phương, rất nhiều người trong số 4.604 người dân di cư, chiếm 21,7% trong tổng số 21.183 dân ở phường Khương Đình (Thanh Xuân) cũng có thái độ "vô tư" như vậy. Mà chẳng phải chỉ có Khương Đình mới thu hút lao động di cư. Cổ Nhuế, một xã ven đô của huyện Từ Liêm năm nào cũng đón dòng người chuyển đến. Họ là công nhân nhà máy, xí nghiệp, là học sinh, sinh viên đến thuê trọ trên địa bàn. Chỉ trong vòng 10 năm, dân số (DS) xã này đã tăng gấp 3 lần (20.000 người vào năm 1999, đến cuối năm 2009 đã là 59.093 người), trong đó có 2/3 là người nhập cư và di cư tự do. Đa số người di cư đang ở độ tuổi lao động và trong nhóm có mức sinh sản cao. Điều đáng quan ngại là nhiều người tỉnh ngoài về Hà Nội không chỉ thờ ơ với vấn đề DS và chăm sóc SKSS/KHHGĐ mà còn mang theo tâm lý thích đẻ nhiều, muốn có đông con. Chị Nguyễn Thị Dung, cộng tác viên DS ở thôn Hoàng 4, xã Cổ Nhuế cho biết, nhiều người đến ở một thời gian, sinh con được vài tháng rồi lại chuyển đi nơi khác, DS cứ "phồng lên, xẹp xuống", không biết đường nào mà lần.
Rất may là Khương Đình và Cổ Nhuế đã được chọn để xây dựng điểm mô hình can thiệp truyền thông DS, SKSS/KHHGĐ cho nhóm người di cư. Kết quả bước đầu cho thấy, người dân di cư đã được nâng cao hiểu biết về DS, chăm sóc SKSS/KHHGĐ thông qua các buổi sinh hoạt tập thể như tọa đàm, nói chuyện, kịch, văn nghệ… Ban chỉ đạo mô hình còn cung cấp kiến thức về chính sách DS, SKSS/KHHGĐ cho các chủ nhà trọ, chủ sử dụng lao động. Điều đó giúp người di cư chấp nhận thực hiện KHHGĐ và chủ động hơn trong việc tự chăm sóc SKSS cho mình.
Tại Khu công nghiệp xã Kim Chung, huyện Đông Anh, trong tổng số dân 30.737 người, riêng nhân khẩu thường trú chỉ chiếm chưa đến 1/3 (9.947 người), hơn 2/3 DS còn lại chủ yếu là công nhân trong khu công nghiệp. Mô hình can thiệp được triển khai tại đây là cơ hội cho nhóm thanh niên, nhất là nữ thanh niên, có điều kiện tiếp cận chính sách DS-KHHGĐ, trang bị kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ban chỉ đạo mô hình đã chủ động phối hợp với khu công nghiệp tổ chức 10 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 1.500 lượt người tham dự, tổ chức 2 buổi tọa đàm về phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 200 người.
Mô hình cho vùng đồng bào dân tộc ít người, làng nghề
Mô hình can thiệp được triển khai tới 2 xã Tiến Xuân (Thạch Thất) và Minh Quang (Ba Vì), nơi có đồng bào dân tộc ít người. Xã Tiến Xuân có 70% dân số là người Mường. Sau 1 năm triển khai mô hình, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) đã đạt tỷ lệ 70%, tăng rõ rệt. Các buổi tọa đàm về
chính sách DS-KHHGĐ, CSSKSS/KHHGĐ, phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục tại các thôn, bản đã thu hút hơn 500 người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề này cho đồng bào.
Mô hình can thiệp ở làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Hiền Giang (Thường Tín) nhằm nâng cao nhận thức về chính sách DS-KHHGĐ, vận động nhân dân áp dụng các BPTT, biết chăm sóc SKSS, ưu tiên phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản, bởi ô nhiễm môi trường ở làng nghề này là rất rõ. Mô hình đã tổ chức 10 buổi truyền thông cho nhóm người trong độ tuổi 15-49, những người có chồng nhưng chưa áp dụng BPTT, cặp vợ chồng sinh con một bề...
Đánh giá kết quả sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ cho biết, điều đáng mừng nhất là sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa chính sách DS-KHHGĐ vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Năm 2010 này, các mô hình đang tiếp tục triển khai, ngoài truyền thông sẽ có hỗ trợ cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ như siêu âm, soi tươi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.