(HNM) - Rau, hoa quả không rõ nguồn gốc và dùng hóa chất bảo quản xuất hiện nhiều trên thị trường, gây độc với sức khỏe con người nếu ăn phải. Dưới đây là một số cách nhận biết rau, hoa quả không còn an toàn khi quan sát bằng mắt thường.
Với những loại quả như cam, quýt, lê, táo, mận... khi người tiêu dùng nhìn thấy bề mặt quả bóng và bảo quản được lâu không bị thối hỏng nghĩa là chúng đã được “bơm” thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt nấm, vi khuẩn khi bảo quản. Riêng với mít và sầu riêng: Khi quả chín nhưng múi lại không có vị thơm đặc trưng, đặc biệt xơ mít, múi mít có chung một màu chứng tỏ đây là các loại quả đã được thương lái thu mua khi còn xanh và dùng hóa chất kích thích tiêm cho nhanh chín.
Đối với các loại rau ăn lá khi thấy lá rau non hơn bình thường, màu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phun nhiều thuốc trừ sâu nhưng không bảo đảm thời gian cách ly. Người tiêu dùng nên chọn mua những loại rau có lá hơi cằn, xanh nhạt. Với các loại rau ăn ngọn như: Rau lang, bầu bí, muống…, người mua không nên chọn loại có ngọn vươn dài vì có thể đã bị dùng thuốc kích thích sinh trưởng. Rau muống không nên chọn loại cọng to, giòn, lá mướt vì chúng được bón nhiều đạm. Rau bí có các lóng xa nhau, tay cuống mập, ít lông tơ, ngọn xanh nhạt, lá xanh đen là rau có phân bón lá. Rau cần thân to, ngó trắng ngần, nhanh héo là loại bị phun quá nhiều phân bón qua lá. Riêng với các loại quả đậu như: Đậu đũa, đậu Hà Lan, đậu ván…, người tiêu dùng không nên chọn những quả bóng nhẫy, ít lông tơ vì đây là loại bị bón nhiều đạm hoặc phun quá nhiều thuốc trừ sâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.