(HNM) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT - chiếm 7,8% dân số), trong đó 3,6 triệu là phụ nữ. Ước tính gần 50% phụ nữ khuyết tật đang ở độ tuổi kết hôn.
Mặc dù cuộc sống của phụ nữ khuyết tật đã được cải thiện rất nhiều nhưng trong tình yêu và hôn nhân họ lại gặp phải rất nhiều trắc trở. Chỉ có khoảng 7% tìm được "một nửa" của mình, còn lại là sống độc thân.
Sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và xã hội sẽ giúp phụ nữ khuyết tật có cuộc sống hạnh phúc. |
Trước thực trạng phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong tình yêu, hôn nhân, chị Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội cùng các đồng sự đã tiến hành dự án mang tên "Đời sống tình dục từ góc nhìn của những phụ nữ khuyết tật". Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ khuyết tật gặp rất nhiều rào cản khi tiến tới hôn nhân do cách nhìn lệch lạc của một số người trong xã hội, cho rằng NKT và người bình thường không "xứng đôi vừa lứa" hoặc khuyết tật là di truyền nên sẽ sinh ra những đứa con dị tật. Trong thực tế, đúng là phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi mang thai (đi lại khó khăn, dễ ngã, khả năng sảy thai cao), khó khăn trong chăm sóc gia đình và con cái, trong sinh hoạt chung với gia đình chồng... Tuy nhiên, "khó" không có nghĩa là "không", bằng chứng là có nhiều NKT đã lập gia đình, có con và sống rất hạnh phúc.
Nghiên cứu cũng cho thấy, định kiến của xã hội đối với phụ nữ khuyết tật vẫn còn quá lớn. Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ khuyết tật thường mặc cảm, tự ti, cho rằng người bạn bình thường phải "hy sinh" rất nhiều khi đến với mình; hoặc sợ người khác yêu mình không thật lòng mà chỉ là lòng thương hại; hoặc lo lắng cuộc sống không ổn định... nên tự đặt rào cản cho chính mình. Chị N.T.N., một phụ nữ khuyết tật vận động, 45 tuổi, sống độc thân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, trước đây chị cũng có bạn trai là người bình thường. Gia đình bạn trai rất quý chị, nhưng khi biết anh chị yêu nhau, họ đã phản đối quyết liệt. "Hồi đó anh ấy đã ngỏ lời muốn cưới tôi. Tôi không sợ gia đình anh ấy phản đối, mà chỉ sợ mình sẽ là gánh nặng cho anh ấy nên đã từ chối", chị N. tâm sự.
Không chỉ gặp khó khăn từ gia đình người yêu, nhiều phụ nữ khuyết tật còn gặp trở ngại ngay tại gia đình mình. Hầu hết những bậc phụ huynh có con khuyết tật mới chỉ chú ý đến việc làm thế nào để chữa bệnh, phục hồi chức năng cho con, làm thế nào để tìm một việc làm phù hợp cho con hơn là lo lắng về tương lai lập gia đình của con. Nhiều người còn có suy nghĩ, con gái khuyết tật khó đảm nhận được vai trò của một người con dâu, người vợ và người mẹ nên đã bỏ qua việc cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho con... Vì thế, phụ nữ khuyết tật biết rất ít thông tin về sức khỏe sinh sản, một số chỉ biết qua quan sát người thân của mình.
Theo chị Nguyễn Hồng Hà, để giúp đỡ phụ nữ khuyết tật tìm được tình yêu, mái ấm gia đình, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về quyền của phụ nữ khuyết tật, về khả năng của phụ nữ khuyết tật trong học tập, làm việc và đời sống gia đình, đặc biệt là khả năng làm vợ, làm mẹ, đồng thời mở những lớp dạy nữ công gia chánh và nghệ thuật làm vợ, làm mẹ cho phụ nữ khuyết tật... Người phụ nữ khuyết tật muốn tìm được hạnh phúc lứa đôi phải phát triển bản thân, trau dồi kỹ năng sống, rèn luyện nhân cách, lối sống, chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, học cách sống yêu thương, cách thuyết phục người khác. Tuy nhiên, mong ước của họ có trở thành hiện thực hay không, không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính họ mà còn phụ thuộc vào sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.