Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào thu hút đầu tư vào công nghệ?

Gia Bình| 03/01/2012 07:30

(HNM) - Thời gian qua, việc đầu tư nước ngoài nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng, trong đó có công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển giao công nghệ cũng như hàm lượng thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cần giải pháp gì để thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ?


Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.  Ảnh: Thanh Hải


Kể từ khi mở cửa khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta muốn qua đó nhận chuyển giao công nghệ, từng bước phát triển và trở thành một mắt xích nhất định trong chuỗi hoạt động giá trị toàn cầu. Những năm gần đây, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ nói chung, CNTT nói riêng ở nước ta đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều dự án lớn của Samsung, Intel, Nokia... Tuy nhiên, hàm lượng cũng như khả năng chuyển giao công nghệ thông qua các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế. Trong đó, có hai dự án đầu tư nước ngoài lớn tại TP Hồ Chí Minh đã không suôn sẻ (TA Associates bị thu hồi giấy phép đầu tư, First Solar quyết định tạm dừng đầu tư), mặc dù Chính phủ và các cấp chính quyền sở tại đã tạo các điều kiện thuận lợi với những chính sách ưu đãi tốt nhất cho các chủ đầu tư của dự án này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi giấy phép, hay tạm dừng các dự án đầu tư, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nợ công Châu Âu và nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư. Một nguyên nhân nữa có thể do việc lựa chọn quy mô, xác định thời điểm... của dự án chưa chính xác, chưa hợp lý. Vì thế, để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, nhất là CNTT đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một số vấn đề, như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để sớm có đội ngũ nhân viên công nghệ chất lượng cao, ngoại ngữ giỏi, có các kỹ năng chuyên môn phù hợp. Muốn làm được điều này cần có sự quan tâm đầu tư, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các trường đào tạo và các doanh nghiệp để đổi mới chương trình giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, thủ tục thuận lợi, các chính sách ưu đãi rõ ràng, trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao, cũng như bảo đảm hạ tầng kỹ thuật (gồm đường giao thông, điện, nước…) cho các khu vực này; hoàn thiện môi trường pháp lý và bảo đảm việc thực thi pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực như bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn bảo mật thông tin. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư cả trong nước và nước ngoài, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản lĩnh vực CNTT đã, đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài khi có các dự án đầu tư vào Việt Nam; thực hiện các giải pháp để góp phần phát triển nguồn nhân lực CNTT thông qua các dự án hỗ trợ đào tạo. Bộ cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển khu CNTT tập trung và đẩy mạnh việc triển khai các hạ tầng viễn thông băng rộng. Mới đây, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật đồng bộ trong các lĩnh vực CNTT, viễn thông, internet. Đặc biệt, Bộ cũng đang phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan, các địa phương hoàn thiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về hạ tầng đầu tư để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển ngành nói chung, thu hút có hiệu quả đầu tư trong nước và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào thu hút đầu tư vào công nghệ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.