Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào hiệu quả?

Gia Bình| 16/12/2011 07:56

(HNM) - Những năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển như mong muốn. Vậy, làm thế nào để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt hiệu quả?


Doanh nghiệp và ngân hàng chọn phát hành trái phiếu để  huy động vốn.

Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển "tầm ngắm" sang thị trường trái phiếu (TTTP). Giao dịch trái phiếu khá nhộn nhịp, nhưng đều thuộc về trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước phát hành và thiếu vắng sự hiện diện của TPDN. Bộ Tài chính cũng đưa ra một số định hướng phát triển cho TPDN, như khuyến khích DN huy động vốn trực tiếp trên thị trường, hạn chế sự phụ thuộc vào việc cấp vốn qua kênh tín dụng; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý... Tuy nhiên, các DN vẫn chưa sử dụng hiệu quả kênh huy động vốn này. Hiện nay, giá trị trái phiếu lưu hành trên thị trường ước khoảng 16 tỷ USD. Trong khi TPCP chiếm đa số (80-83%) cơ cấu của TTTP, TPDN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (10%), phần còn lại là trái phiếu chính quyền địa phương.

Sở dĩ tồn tại tình trạng trên là do thời gian qua DN trong nước dường như chỉ quan tâm đến việc phát hành làm sao càng nhiều càng tốt, lãi suất càng thấp càng tốt, chứ không quan tâm có bao nhiêu nhà đầu tư, cơ cấu nhà đầu tư ra sao khi mua trái phiếu? Điều này trái ngược hẳn với DN ở nước ngoài. Ở các nước, khi DN giao cho tổ chức phát hành trái phiếu, không những chỉ giao khối lượng phát hành mà còn đặt ra chỉ tiêu về cấu trúc nhà đầu tư. Chẳng hạn, 50% nhà đầu tư nước ngoài, 50% nhà đầu tư trong nước; bao nhiêu nhà đầu tư cá nhân, tổ chức?... Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Phải chăng đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: chưa có một kế hoạch tổng thể, đồng bộ để phát triển thị trường TPDN. Khung pháp lý, hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tập quán thương mại và thông lệ thị trường trong giao dịch trái phiếu vẫn chưa chuẩn hóa. TTTP không dành cho mọi đối tượng DN, mà chỉ dành cho những DN lớn, có uy tín, thương hiệu... Thực tế, nhiều DN chưa có uy tín phát hành trái phiếu, công tác phát hành bị buông lỏng, việc chuẩn bị phát hành chưa chu đáo; báo cáo tài chính không cụ thể; DN không có trong danh mục định hạng tín nhiệm, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thường áp dụng biện pháp bảo lãnh phát hành (mua hết trái phiếu của DN khi không có nhà đầu tư mua). Đây thường là hình thức ngân hàng hỗ trợ vốn cho các DN thân thuộc, qua việc mua trái phiếu. Điều này dẫn đến việc DN ỷ lại trong việc phát hành...

Muốn TTTP DN phát triển bền vững cần phải có quá trình. Về phía DN, khi phát hành trái phiếu, những thông tin về tài liệu chào bán phải công khai, kế hoạch sử dụng vốn cũng như tình hình tài chính của DN rõ ràng. DN phải có định hạng tín nhiệm, có báo cáo kiểm toán… Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư quan tâm, bởi họ sẽ dễ dàng tiếp cận và đánh giá danh mục trái phiếu đầu tư. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư để họ có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, nhận thức về các đợt phát hành. Hình thành cơ quan xếp hạng tín nhiệm, cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho DN, giúp cho việc phát hành trái phiếu công khai, minh bạch hơn, định giá thuận lợi hơn. Đặc biệt, làm thế nào để giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, dễ tiếp cận thông tin, để đầu tư có hiệu quả; giúp cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp và DN lựa chọn phương thức phát hành trái phiếu hiệu quả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2011/CP (có hiệu lực từ ngày 1-12-2011) quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế đối với các công ty cổ phần, công ty TNHH. Có hai loại hình TPDN là trái phiếu chuyển đổi (do công ty cổ phần và công ty TNHH phát hành) và trái phiếu không chuyển đổi (do công ty cổ phần phát hành). TPDN có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, DN phát hành quyết định kỳ hạn trái phiếu trên cơ sở nhu cầu sử dụng vốn và công bố tại phương án phát hành. Mệnh giá tối thiểu của trái phiếu trong nước là 100.000 đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng. Với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, DN xây dựng phương án phát hành trái phiếu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.