Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào giảm chênh lệch từ đầu vào?

Thống Nhất| 26/07/2012 06:21

(HNM) - Thời điểm này, công tác tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2012-2013 của các trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội đã cơ bản hoàn tất.

Đằng sau những con số

Về tổng thể, điểm chuẩn (đợt 1) vào lớp 10 THPT năm học 2011-2012 với điểm chuẩn của năm học 2012-2013 ở 103 trường THPT công lập trên địa bàn TP không có sự biến động lớn. Chu Văn An vẫn giữ vị trí cao nhất trong bảng điểm chuẩn với mức điểm 56. Năm nay, có 14 đơn vị có mức điểm chuẩn từ 50 điểm trở lên (năm ngoái là 13 đơn vị). Điều đáng chú ý, số lượng các trường có mức điểm chuẩn từ 20 điểm đến dưới 30 điểm đã giảm từ 22 trường xuống còn 19 trường. Dù vậy, mức điểm chuẩn vào lớp 10 THPT thấp nhất năm nay tại Hà Nội vẫn duy trì ở mức 22 điểm và chủ nhân của nó vẫn là những cái tên khá quen thuộc như THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa).


Thí sinh làm bài thi môn ngữ văn tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2012. Ảnh: Nhật Nam

Phân tích cụ thể cho thấy sự chênh lệch về chất lượng "đầu vào" của các trường THPT công lập. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, ngoài điểm cộng thêm (tối đa là 6 điểm), hai thành phần chính của điểm xét tuyển là điểm thi hai môn ngữ văn, toán (hệ số 2 - tối đa là 40 điểm) và điểm THCS (được quy đổi từ kết quả học tập và rèn luyện của HS ở 4 năm lớp 6, 7, 8, 9). Mức điểm THCS cao nhất là 20 điểm, dành cho những HS học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; mức điểm THCS thấp nhất là 10. Để trúng tuyển vào Trường THPT Chu Văn An, tính ra, mỗi học sinh phải đạt tới 9 điểm/môn thi. Tuy nhiên, với khoảng 20% số trường THPT công lập trên địa bàn TP có mức điểm chuẩn dưới 30, thì tính ra, mỗi HS ở khu vực này chỉ đạt 5 điểm/môn thi. Thậm chí, với những trường có điểm chuẩn thấp nhất TP là 22 thì mỗi HS chỉ cần đạt khoảng trên dưới 3 điểm/môn thi là đã trúng tuyển.

Mức điểm "đầu vào" thấp, học phí tăng không đáng kể ở khối trường công lập (20 nghìn đồng/HS/tháng ở vùng nông thôn), năm học 2012-2013 này, các trường ngoài công lập có lẽ sẽ còn đau đáu nỗi lo nguồn tuyển.

Đâu là giải pháp?

Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhằm giảm dần sự khác biệt nhất định giữa các trường được lãnh đạo ngành GD-ĐT Thủ đô xác định ngay từ những ngày đầu hợp nhất. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, mục tiêu này luôn được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm mỗi đầu năm học, trong đó, lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư các điều kiện tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục ở từng nhà trường. Quan điểm trong chỉ đạo, thực hiện mục tiêu này là muốn có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện tạo ra nó cũng phải đạt chuẩn. Hai điều kiện cơ bản được tập trung đầu tư, cải thiện thời gian qua là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Công tác cải tạo, xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy học ở các nhà trường được triển khai theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại. Ngay sau hợp nhất, TP đã ban hành kế hoạch xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng. Riêng trong năm 2011, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học ước đạt 1.730 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến tăng lên gần 2.300 tỷ đồng trong năm nay. Gần 5.000 phòng học, chủ yếu ở khu vực Hà Nội mở rộng và 36 trường học đã được xây mới. Ngoài vốn ngân sách, Hà Nội cũng tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển giáo dục. Tính đến thời điểm hiện tại, có 78 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.600 tỷ đồng đã và đang triển khai xây dựng. Các quận, huyện, thị xã đang quyết liệt thực hiện kế hoạch đầu tư cho 100 trường đạt chuẩn trong năm nay để tiến tới mốc 55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015 nhằm tạo môi trường sư phạm đáp ứng tốt hơn nữa nhiệm vụ dạy- học.

Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được xác định là giải pháp bền vững nhằm cải thiện chất lượng giáo dục toàn ngành. Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) đã tăng từ 15,75 tỷ đồng (năm 2011) lên 18 tỷ đồng trong năm 2012. 100% GV các cấp học đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và đang tiến tới nâng dần tỷ lệ trên chuẩn. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, quan điểm được quán triệt tới từng GV là không chỉ phấn đấu đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ đào tạo, mà còn phải chuẩn cả về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, là tấm gương về đạo đức. Thực hiện mục tiêu ấy, thành phố đã ban hành kế hoạch số 111/KH-UB về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2016 với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.

Nhưng, với nhiều khác biệt ở mỗi địa bàn đòi hỏi những người làm công tác quản lý phải tiếp tục chủ động, sáng tạo mạnh mẽ, có cách làm phù hợp để nâng cao chất lượng và rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa các nhà trường. Ví như cũng là đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhưng ở các quận nội thành là đầu tư theo hướng hiện đại hóa, tăng tỷ lệ giáo viên trình độ trên chuẩn. Còn với các huyện vùng sâu, vùng xa… thì việc đầu tư lại phải chú trọng đến xóa phòng học tạm, bảo đảm các hạng mục tối thiểu phục vụ dạy - học; bổ sung GV đủ về số lượng và từng bước đồng bộ về cơ cấu môn học…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách nào giảm chênh lệch từ đầu vào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.