(HNM) - Ngày 30-1, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn 2011-2015", đánh giá về giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng: "Người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội đi lại rất khác ở nơi khác. Nói đúng là đi lại chẳng ai nhường ai, chẳng ra làn, ra luồng gì, thích đi thế nào là đi"…
Một trong những nguyên nhân khiến giao thông đô thị lộn xộn là thiếu hạ tầng. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, hạ tầng giao thông của Hà Nội liên tục được cải thiện, nhiều tuyến phố được nâng cấp, mở rộng; đường vành đai hoàn thành đưa vào sử dụng đã hạn chế tối đa xe tải các tỉnh chạy qua nội đô. Tại các ngã tư, ngã năm thường xuyên xảy ra ùn tắc, thành phố đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng làm cầu vượt, làm hầm chui, cầu trên cao cho người đi bộ. Với tuyến phố có mật độ giao thông đông đúc, thành phố cho làm cầu khung thép qua đường… Thành phố cũng cho dựng hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, kẻ vạch sơn phân làn đường… Do vậy, rõ ràng việc đi lại rất khác với nhiều nơi của người Hà Nội có nguyên nhân khác. Đó chính là ý thức của người tham gia giao thông.
Giao thông lộn xộn có thể do người tham gia vô tình hay cố ý và họ vừa là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm. Đèn đỏ, song không ít xe máy vẫn thản nhiên phóng qua trước mặt cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Và không thiếu tình trạng "5 trong 1" (xe không có biển số, chở quá quy định, sử dụng điện thoại di động, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm), họ đi như họ muốn, bất chấp luật lệ. Không chỉ xe máy, ô tô đi bừa, người đi bộ cũng "hồn nhiên" băng qua đường đông đúc, bất chấp nguy hiểm tính mạng cho dù nơi đó có cầu vượt dành riêng cho họ. Khi đi thi bằng lái xe ô tô hay xe máy, họ buộc phải học luật nên chẳng ai có thể ngụy biện phương tiện đi lại lộn xộn do người điều khiển không hiểu luật đường bộ. Cũng không thể nói họ không được tuyên truyền giáo dục bởi tại các nút giao thông chính lúc nào cũng có loa phóng thanh thông tin nhiều nội dung về luật giao thông. Trên các phương tiện truyền thông liên tục có bài viết, ảnh, clip phản ánh tình trạng tai nạn giao thông, đó không chỉ là nhắc nhở, phê phán mà còn là bài học cho người vi phạm và cả người chưa vi phạm. Và hằng ngày lực lượng thực thi nhiệm vụ phạt tiền, thu giữ bằng lái, phương tiện vi phạm… Ai cũng biết đi lại lộn xộn không chỉ là biểu hiện thiếu văn minh là nguy cơ gây ra tai nạn mà còn làm mất đi hình ảnh của một Thủ đô văn minh, văn hóa và thân thiện trong mắt du khách nước ngoài, bà con các tỉnh thành phố khác. Căn bệnh "nhờn luật" đã khiến ý thức tham gia giao thông xuống cấp đến mức báo động. Khi không chờ trông vào sự tự giác của các cá nhân thì cách duy nhất là xử lý nghiêm hơn. Nhưng làm thế nào để xử lý nghiêm hơn trong khi cơ quan chức năng không thể tăng thêm biên chế?
Một thực tế là nút giao thông nào có đèn tín hiệu nhưng không có cảnh sát thì tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra và giao thông càng trở nên lộn xộn sau khi cảnh sát hết ca trực. Từ thực tế đó rút ra một điều: Có bóng dáng các chiến sĩ áo vàng thì đi lại nền nếp hơn. Vậy nên chăng cơ quan chức năng cho lập nhiều tổ tuần tra hoạt động liên tục 24/24h trên tất cả các tuyến đường để xử lý vi phạm. Đồng thời ai vi phạm, ngoài bị xử lý theo luật thì cơ quan chức năng sẽ thông báo về cơ quan, địa phương. Khi lòng tự trọng vốn là tài sản có trong mỗi con người bị đụng chạm, họ sẽ có ý thức hơn khi đi đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.