Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách mạng là sáng tạo

Nguyễn Năng Lực| 20/08/2015 06:37

(HNM) - Ngắm ngôi nhà cũ kỹ, ít người nghĩ rằng đó lại là

Đại tướng Nguyễn Quyết và tác giả.


Đại tướng Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn. Ông sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Là con thứ 8 trong một gia đình nông dân có 10 người con, ông chỉ được học hết tiểu học và năm 15 tuổi đã phải lên Hà Nội kiếm sống. Năm 1939, ông tham gia hoạt động cách mạng, được cử về xây dựng phong trào phản đế ở Hưng Yên. Đầu năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1941, ông tham gia lãnh đạo phong trào phản đế ở phía Nam Hưng Yên, năm 1943 là Tỉnh ủy viên tỉnh Hưng Yên. Cũng trong năm 1943, ông được cử về Hà Nội, tham gia Ban Cán sự xây dựng phong trào phản đế ở Hà Nội, là Thành ủy viên rồi đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Năm 1945, trên cương vị Bí thư Thành ủy, ông đã tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội.

Nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Thủ đô, Đại tướng nhấn mạnh, đó là do những người cộng sản đã "kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp". Đảng bộ Hà Nội đã nhạy bén nắm thời cơ, quyết định phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa, mở đường cho thắng lợi của cách mạng cả nước. Thắng lợi của Hà Nội là kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, biết dựa vào quần chúng, chống tả khuynh, hữu khuynh trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đại tướng nói, người lãnh đạo, nhất là ở tầm chiến lược phải biết dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để giành chiến thắng. Đại tướng nhận xét, sở dĩ Cách mạng Việt Nam đã đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác là nhờ Đảng ta đã luôn biết rút kinh nghiệm, liên tục sửa sai, tìm ra những giải pháp phù hợp lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi. Những năm 1930-1940 là thời kỳ cách mạng gặp khó khăn, sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, qua phong trào Dân chủ 1936-1939 đến Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, cách mạng bị địch đàn áp, khủng bố gắt gao, nhiều cơ sở Đảng tan vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị địch bắt tù đày, xử bắn. Nhờ nhận thức rõ tình hình, nắm vững Chủ nghĩa Marx - Lenin, Đảng đã kịp thời chống tả khuynh, chống hữu khuynh, dựa vào dân gây dựng lại cơ sở cách mạng, khi thời cơ đến đã quyết định lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền.

Chiều 17-8-1945, quần chúng cách mạng cướp diễn đàn, biến cuộc mit tinh do Tổng hội Viên chức thành phố tổ chức để ủng hộ chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim thành cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân ủng hộ Việt Minh. Ngay tối hôm đó, Thành ủy Hà Nội đã triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự cách mạng (Ủy ban Khởi nghĩa) mở rộng, quyết định ngày 19-8-1945 Hà Nội sẽ Tổng khởi nghĩa, mặc dù lúc đó Lệnh Khởi nghĩa và Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc chưa về đến Hà Nội. Hội nghị đã quyết định phương thức khởi nghĩa là huy động lực lượng quần chúng tại chỗ uy hiếp, thị uy địch, lực lượng tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, phân công cán bộ chỉ huy lực lượng cách mạng đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn. Ngày 19-8-1945, theo sự phân công của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết trực tiếp chỉ huy chiếm Trại Bảo an binh, cơ sở quan trọng bậc nhất của địch tại Hà Nội với 1.000 lính Bảo an chính quy, được trang bị vũ khí hiện đại hơn so với lực lượng tự vệ chiến đấu của cách mạng. Sự kiện cướp Trại Bảo an binh thành công đóng góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Thủ đô. Trong hoàn cảnh lúc đó, ở Hà Nội có 1 vạn lính Nhật, nếu không có phương thức hành động đúng đắn, cách mạng không thể thành công, thậm chí thất bại. Nhờ có phương thức hành động đúng đắn, chúng ta đã vô hiệu hóa 1 vạn quân Nhật, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công. Kinh nghiệm kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Hà Nội được kịp thời phổ biến cho các địa phương khác. Ngày hôm sau, 20-8, người Bí thư Thành ủy kỷ niệm sinh nhật lần thứ 23 của cuộc đời mình.

Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Đại tướng Nguyễn Quyết có mặt trong đội quân Nam tiến đầu tiên, chỉ huy quân sự tại chiến trường Khu V. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, tiếp tục giữ nhiều trọng trách tại nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực công tác. Không chỉ lãnh đạo quân đội chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi, ông còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển đảo. Năm 1976, khi là Chính ủy Quân khu 3, Đại tướng Nguyễn Quyết đã phát động phong trào "Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng". Những năm tháng sau đó, với cương vị là Chính ủy, rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, ông đã cùng quân và dân Quân khu khắc phục khó khăn, lấn biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà - Nam - Ninh. Chỉ trong 10 năm (1976-1985), cả Quân khu đã lấn biển được 55.468ha. Trong đó, con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà, Hải Phòng không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện đảo mà còn tăng cường khả năng quốc phòng tại địa bàn trọng yếu. Nhận thấy kinh tế bao cấp đã không còn phù hợp với tiến trình phát triển đất nước, ông cũng là người sớm đề xuất chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần "cởi trói" cho lực lượng sản xuất, đưa nền kinh tế đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu vượt bậc.

Ngày 28-4-2007, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước, vì những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 5-2015, Đại tướng đã được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 14-8-2015, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, tặng quà người cán bộ 70 năm trước trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo Khởi nghĩa Tháng Tám ở Thủ đô thắng lợi. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, tấm gương của Đại tướng cùng các thế hệ đi trước luôn thôi thúc những thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, phát huy truyền thống vẻ vang của Thủ đô, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đại tướng Nguyễn Quyết bày tỏ, ông rất vui mừng khi chứng kiến những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong những năm qua. Trong bối cảnh Thủ đô có quy mô lớn hơn, đô thị hóa nhanh, mọi lĩnh vực đều đòi hỏi cao đối với công tác lãnh đạo, Đảng bộ thành phố vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ, không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chèo lái con thuyền Thủ đô vượt qua khó khăn, giành những thắng lợi mới. Đại tướng tin tưởng Thủ đô Hà Nội sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Hôm nay 20-8-2015, Đại tướng Nguyễn Quyết tròn 93 tuổi, bước sang tuổi 94. Suốt gần 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, giải quyết nhiều vấn đề tầm chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng là sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.