(HNMO) - Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cũng như tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, chủng vi rút SARS-CoV-2 lần này được phát hiện tại ổ dịch Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần so với chủng cũ. Do đó, cùng với việc tăng tốc xét nghiệm, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người dân phải tuân thủ và thực hiện thật tốt tự cách ly tại cộng đồng. Thế nhưng, liệu cách ly đủ 14 ngày theo quy định đã bảo đảm an toàn?
Nên hạn chế tiếp xúc sau 14 ngày cách ly
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 7 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 có liên quan đến Đà Nẵng. Điều đáng nói, trong 7 ca bệnh này, 3 trường hợp sau khi có kết quả âm tính lại có kết quả dương tính. Đặc biệt, bệnh nhân 812 (63 tuổi ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) - trường hợp F1 của bệnh nhân 447 đã được cách ly tập trung đến ngày thứ chín phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, xét nghiệm RT-PCR của bệnh nhân 812 đến lần thứ ba mới cho kết quả dương tính.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc bệnh nhân có kết quả dương tính sau nhiều lần có kết quả âm tính không có gì bất ngờ. Đợt dịch trước, nước ta đã từng ghi nhận ca bệnh như vậy. Về nguyên tắc, vi rút SARS-CoV-2 chủng mới khi vào cơ thể con người khu trú ở họng, có một số nhất định vào trong máu, một số sử dụng tế bào của đường hô hấp nhân lên và phát tán ra. Do đó, nếu đến ngày thứ tám xét nghiệm âm tính, sau đó, ngày thứ chín lại dương tính là điều bình thường, bởi đến ngày đó, vi rút mới phát ra. Khi vi rút nhân lên phải đủ số lượng nhất định thì khi lấy mẫu xét nghiệm mới thấy.
Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi bệnh nhân vừa nhiễm vi rút vào cơ thể, việc lấy mẫu xét nghiệm chưa chắc cho kết quả dương tính ngay. Bởi, vi rút cần có đủ thời gian mới xâm nhập và nhân lên, phát tán. Thời gian này phụ thuộc vào từng người. Chính vì vậy, những người có nguy cơ nhiễm vi rút, nếu có kết quả âm tính, chưa chắc chắn không mắc bệnh. Chỉ có phết họng sau 14 ngày mà có kết quả âm tính thì mới yên tâm.
"Thời gian ủ bệnh gần như không có chuyện vi rút SARS-CoV-2 lây cho người khác. Vi rút SARS-CoV-2 có thời gian trung bình ủ bệnh là 5-6 ngày, muộn nhất là 14 ngày. Trong y khoa, chỉ có thời gian tiền chứng là lây, tức trước khi phát bệnh khoảng 12-24 tiếng. Covid-19 đặc biệt ở chỗ có những người bệnh rất nhẹ, bắt đầu khởi bệnh bằng mệt mỏi, sốt nhẹ, sau đó chuyển sang giai đoạn toàn phát. Điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng, không có triệu chứng bệnh. Song, thực chất, người bệnh có triệu chứng nhưng nhẹ nên bị bỏ qua", bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý.
Từ ngày 8-8, Hà Nội triển khai xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR cho người dân Thủ đô trở về từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 15-7 đến 29-7. Hiện, nhiều người dân cho rằng, sau khi trở về từ Đà Nẵng nếu không có triệu chứng bệnh, xét nghiệm cho kết quả âm tính và đã hết thời gian cách ly 14 ngày đã hoàn toàn yên tâm?
Giải đáp cho thắc mắc nêu trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho rằng, nếu người dân đã tự cách ly tại nhà qua 14 ngày không có triệu chứng là đã hết cách ly. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng, thì những trường hợp này vẫn nên hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tại nơi làm việc. Trong trường hợp có dấu hiệu ho, sốt cần báo ngay cho y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, người dân không tự ý đi khám hoặc đi mua thuốc điều trị.
Tăng tốc truy vết, cách ly các trường hợp từ F0 đến F3
Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam vẫn kiên định 5 nguyên tắc, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Chính vì vậy, chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm cho rằng, nếu chúng ta truy vết, cách ly tất cả trường hợp từ F0 đến F3 thì nguy cơ lây vi rút ra cộng đồng sẽ được khống chế.
Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng tốc hơn nữa việc truy vết, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 1-7 đến 28-7 đã trở về địa phương trên mọi phương tiện. Mặt khác, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, xét nghiệm sàng lọc và cách ly y tế phù hợp.
"Chúng ta phải hiểu, một ca lây trong cộng đồng nguy hiểm hơn các ca trong khu cách ly. Bởi, chúng ta không thể biết người đối diện với mình và người mình sắp đối diện có phải là người từng mang vi rút hay không. Do đó, bản thân mỗi người phải tự bảo vệ mình khi bắt đầu tiếp xúc với người khác bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Lượng vi rút trong cơ thể người bệnh phát tán ra môi trường ít hay nhiều phụ thuộc vào từng giai đoạn. Với những người đã có biểu hiện ho thì vi rút phát tán sẽ càng nhiều. Vì vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân nếu không biết cách bảo vệ bản thân và cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, với những trường hợp trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly. Khi người dân nâng cao ý thức, dịch bệnh lây lan chậm, được kiểm soát tốt, các y, bác sĩ sẽ có đủ thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân, nhất là trường hợp nặng.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Nếu truy vết, phong tỏa tốt các vùng có dịch, tình hình sẽ dần được kiểm soát. Để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, nếu chỉ dựa vào chính quyền, các lực lượng chức năng là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ, đồng lòng và ý thức trách nhiệm từ phía mỗi người dân.
Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.